Dịch vụ công qua mạng ế ẩm, vì sao?

“Mong đợi ngậm ngùi”
Dịch vụ công qua mạng ế ẩm, vì sao?

“Mọi người có thể đăng ký kinh doanh vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ đâu thông qua dịch vụ đăng ký qua mạng. Đăng ký kinh doanh qua mạng giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại, giải quyết nhanh chóng kịp thời… Sau 2 ngày, chúng tôi sẽ có phản hồi về thông tin đăng ký của quý doanh nhân. Nếu hồ sơ được chấp nhận, quý khách chỉ cần đến tổ tiếp nhận và giao trả hồ sơ để hoàn tất thủ tục và nhận giấy chứng nhận đăng ký chỉ trong vòng 1 giờ…”. Đọc lời quảng cáo hấp dẫn tên các trang web quận, huyện, tôi hăm hở online…

“Mong đợi ngậm ngùi”

Dịch vụ công qua mạng ế ẩm, vì sao? ảnh 1

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin quận 1 kiểm tra tình hình đăng ký kinh doanh qua mạng trên trang web của quận. Ảnh: M.H.

Phải mất gần 10 phút, tôi mới vào được trang đăng ký kinh doanh trong phần dịch vụ công qua mạng của UBND quận 1, TPHCM và bắt đầu nhập các dữ liệu cần thiết theo hướng dẫn: Họ tên, số CMND, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, loại hình kinh doanh, địa điểm kinh doanh, mức vốn đầu tư, điện thoại và cả địa chỉ email.

Mất thêm vài lần thao tác, lúc thì sửa chữ từ viết thường sang viết hoa, lúc thì sửa từ dấu gạch ngang sang gạch chéo, cuối cùng, phần đăng ký của tôi cũng thành công. Màn hình thông báo: “Thông tin đã được chuyển về UBND quận 1. Sau 2 ngày làm việc, quý doanh nhân vào phần đăng ký để xem kết quả xử lý hồ sơ hoặc nhận kết quả gửi về địa chỉ email của quý doanh nhân”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Sẵn đà, tôi làm thủ tục đăng ký kinh doanh và xin cấp phép xây dựng ở cả quận 2, quận 5 và huyện Bình Chánh rồi yên tâm ngồi nhà chờ.

Đúng 2 ngày sau, tôi nhập mã số để xem kết quả xử lý hồ sơ. Thế nhưng tại quận 1, tôi nhận được câu trả lời: Không giải quyết đăng ký mở quán cà phê qua mạng, yêu cầu quý khách trực tiếp đến UBND quận 1 làm thủ tục. Ở quận 2, quận 5 và huyện Bình Chánh: “Ngày hẹn: chưa có!”. Kiên nhẫn chờ thêm 10 ngày nữa, hồ sơ đăng ký qua mạng của tôi vẫn không được hồi âm. Đến nước này thì chỉ còn cách cầm trực tiếp hồ sơ lên quận, chưa kể mất đứt cả chục ngày chờ đợi mà hồ sơ vẫn chưa được thụ lý.

Thuận lợi trên lý thuyết

Hiện tại, các loại dịch vụ công qua mạng có liên quan trực tiếp đến người dân mà các quận huyện thực hiện gồm: đăng ký kinh doanh, đăng ký cấp phép xây dựng, trích lục bản sao hộ tịch, đăng ký lao động. Tuy nhiên, lượng người sử dụng các dịch vụ này rất ít. UBND quận 1 cho ra đời loại hình cấp phép kinh doanh qua mạng từ năm 2002 nhưng tính riêng năm 2007, trong số hơn 1.200 hồ sơ đăng ký kinh doanh mà quận nhận, chỉ có 147 hồ sơ đăng ký qua mạng.

Trong đó, có đến 80 hồ sơ không hợp lệ, chỉ còn 67 hồ sơ được giải quyết. Số hồ sơ xin trích lục hộ tịch qua mạng là 55 hồ sơ - một con số ít ỏi hơn rất nhiều so với hàng ngàn hồ sơ xin trích lục trực tiếp. Tại quận 5, anh Vũ Dương Lâm, cán bộ phụ trách công tác cải cách hành chính (CCHC) của quận cho biết: Mặc dù dịch vụ cấp phép kinh doanh qua mạng ra đời từ năm 2007 nhưng cho đến nay không có người sử dụng. Tại quận 2, tình hình cũng chẳng khả quan hơn. Cán bộ phòng tin học quận cho biết hầu như không nhận được hồ sơ đăng ký qua mạng nào dù đã khai trương dịch vụ này từ năm 2006.

Hiện tại, các quận 1, 2, 5, 6, 7, 8, 9, 11, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Củ Chi có “rao” thực hiện dịch vụ công qua mạng. Tuy nhiên, có rất ít người dân làm hồ sơ bằng con đường này và cho đến nay, các quận, huyện và ban chỉ đạo CCHC TP vẫn chưa có một đánh giá cụ thể về cách triển khai và hiệu quả của dịch vụ công qua mạng.

Anh Lâm Ngô Hoàng Anh, giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT quận 1 làm 1 phép so sánh: “Với trường hợp người dân trực tiếp cầm hồ sơ lên nộp, họ phải đi lại ít nhất 3 lần để nộp và bổ túc hồ sơ. Trong khi đó, nếu đăng ký qua mạng, họ sẽ chỉ phải đến 1 lần để nhận kết quả”. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy sự thuận lợi đó… chỉ nằm trên lý thuyết.

Điều kiện để đăng ký dịch vụ qua mạng thành công không đơn giản. Đơn cử như thủ tục trích lục giấy khai sinh.

Để hồ sơ xin trích lục được chấp nhận, người xin trích lục phải điền đủ: họ tên người đăng ký trích lục, họ tên người cần trích lục, họ tên cha, họ tên mẹ, ngày tháng năm sinh, địa điểm và thời gian đăng ký khai sinh và đặc biệt là số hiệu trên giấy khai sinh. “Nếu không nhớ số hiệu, đặc biệt là với những hồ sơ trước năm 2000- hiện vẫn chưa được số hóa thì chúng tôi không thể trích lục qua mạng được”- anh Lâm Ngô Hoàng Anh lý giải. Chính những phiền phức trên đã khiến cho sự thuận lợi của dịch vụ công qua mạng không trọn vẹn, không thu hút được người dân.

Việc cấp phép xây dựng qua mạng hiện không khả thi vì chỉ với tờ đơn xin cấp phép qua mạng, cán bộ thụ lý không thể có bản vẽ, sơ đồ vị trí khu đất để kiểm tra, đối chiếu. Trước đây, UBND quận 1 đã từng có ý định scan các bản vẽ lên mạng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Những thông tin người dân đăng ký qua mạng chỉ giúp cán bộ thẩm định bước đầu. Tiếp đó, người dân vẫn phải mang đầy đủ hồ sơ giấy lên nộp không khác gì khi đăng ký trực tiếp. Như vậy chẳng khác nào dịch vụ đăng ký qua mạng lại “đẻ” thêm ra công đoạn gây phiền cho dân”- một cán bộ phòng tin học quận 2 nhận định.

Tin học hóa “đứt khúc”

Lý giải về việc hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng của tôi chỉ dựa trên những con số “ma” về địa điểm kinh doanh, số vốn kinh doanh, chỗ ở hiện tại mà vẫn không bị phát hiện, anh Lâm Ngô Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin quận 1 thừa nhận: “Hiện tại, chưa có quận, huyện nào xây dựng được hệ thống tư liệu thông tin số về con người, số nhà, tên đường… để ràng buộc, phối kiểm ngay trên máy nên chuyện kiểm soát thông tin là không tưởng; chuyện ngăn chặn những người không có nhu cầu nhưng vẫn “xin đăng ký cho vui” cũng không thực hiện được.

Riêng việc trích lục giấy tờ hộ tịch, chúng tôi yêu cầu khi đến nhận kết quả, người nhận phải xuất trình giấy tờ chứng minh có mối quan hệ với người được trích lục. Tuy nhiên, cách này chỉ phòng người ngay chứ không thể phòng người gian. Nếu có người cố tình xin trích lục cho vui rồi không đến nhận thì xem như cán bộ đã mất công vô ích” - anh Hoàng Anh giải thích. 

Công khai dịch vụ là muốn cho người dân sử dụng nhiều nhưng hiện bộ máy nhân sự tại các quận huyện cũng không đủ để xử lý công việc. Nếu 100% hồ sơ đều đăng ký qua mạng thì công việc chắc chắn sẽ ùn ứ dẫn đến hồ sơ bị trễ hẹn - đó là lời trần tình chung của cán bộ phụ trách dịch vụ công qua mạng của các quận huyện.

Được biết, việc cho ra đời các loại hình dịch vụ công qua mạng thông qua trang web của quận là hoạt động nằm trong lộ trình xây dựng một nền hành chính điện tử, ứng dụng CNTT vào CCHC, tạo sự thuận lợi cho người dân. Thế nhưng cách làm chưa thống nhất, đồng bộ và sự đầu tư chưa đúng mức như hiện nay không chỉ chỉ dẫn đến sự chết yểu của loại hình đáng lý ra phải rất được khuyến khích này mà còn gây mất lòng tin trong người dân.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục