Điểm mới của Luật Nuôi con nuôi - Sau khi giao con, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ

(SGGP).- Từ ngày 24 đến 26-5, Sở Tư pháp TPHCM tổ chức triển khai quy định của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một của điều của Luật Nuôi con nuôi cho cán bộ tư pháp 24 quận – huyện và 322 xã – phường – thị trấn trên địa bàn TP.

Tại buổi tập huấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Lê Thị Bình Minh nhấn mạnh ba nguyên tắc chính giải quyết việc nuôi con nuôi: “Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc; việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội; chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước”.

Một điểm mới của Luật Nuôi con nuôi so với các quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 là hệ quả của việc nuôi con nuôi. Theo đó, kể từ thời điểm giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi – trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác.

A.Chân

Tin cùng chuyên mục