Chính phủ và các ban ngành chức năng đã làm tất cả vì một môi trường an toàn, đáng tin cậy và chắc chắn sẽ tạo đà cho không chỉ những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh, mà còn kích thích các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch hồi phục…
Giới hâm mộ thể thao ở Đức tự hào khi giải đấu Bundesliga được cấp phép đấu lại, và dù phải theo dõi các trận đấu qua truyền hình thì họ vẫn cảm thấy may mắn hơn người hâm mộ ở Anh và Tây Ban Nha đang hồi hộp ngóng các giải đấu Premier League hay La Liga. Nhưng đến khi giải đấu V-League ở vùng Đông Nam Á xa xôi tuyên bố mở cửa đón khán giả vào sân kể từ ngày 5-6, làng túc cầu thế giới đã bất ngờ vì sự mạnh dạn này, để rồi sau đó phải thể hiện sự ngưỡng mộ thực sự.
“Việt Nam chính là điểm đến an toàn đầu tiên trên thế giới chào đón khán giả vào sân”, giới chức Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã nhấn mạnh như thế, đồng thời khẳng định V-League 2020 sẽ tạo thêm động lực để không chỉ thổi bùng lên bầu không khí bóng đá ở Đông Nam Á, mà còn khích lệ giới chức bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nghiêm túc nghĩ đến chuyện tổ chức tiếp giải đấu ở quốc gia mình. Nói cách khác, sự quan tâm của dư luận quốc tế đối với bóng đá Việt Nam giờ đây mang một sắc thái mới, đầy sự tôn trọng, giống như thời điểm liên tiếp các đội tuyển quốc gia, đội tuyển U23 hay đội tuyển futsal Việt Nam gây ấn tượng ở các đấu trường châu Á và thế giới vài năm trước.
Giá trị của sự trở lại càng lớn hơn, bởi lẽ ngoài ý nghĩa giải “cơn khát” bóng đá cho giới hâm mộ sau giai đoạn giãn cách xã hội, đấu trường V-League còn tạo đà khởi động lại tất cả các môn thể thao Việt Nam vốn phải ngưng trệ dài ngày. Những nhà tổ chức VPF đã cầu thị khi đón nhận, chắt lọc những ý kiến đóng góp để hình thành nên một kịch bản phù hợp cho “ngày hồi sinh” của V-League, dù trước khi mọi thứ khởi đi, vẫn có không ít lời ra tiếng vào, kể cả gợi ý giới chức nên cân nhắc hoãn dài hạn giải đấu. Và rồi sân vận động Thiên Trường trở thành tiêu điểm khi trận đấu giữa đội chủ nhà Nam Định và HAGL hôm 23-5 diễn ra trong sự náo nhiệt và phấn khích của hơn 10.000 khán giả. VPF thở phào sau đó vì mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, từ công tác tổ chức, đảm bảo an ninh, kiểm soát y tế cho đến chất lượng chuyên môn của trận đấu. Đây cũng là cơ hội để “Kiến trúc sư trưởng” Park Hang-seo cùng đồng sự lại được dịp đi để chiêm nghiệm và đánh giá chất lượng các tuyển thủ sẽ triệu tập tới đây cho chiến dịch bảo vệ ngôi vương tại AFF Cup 2020 và vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Cũng cần ghi nhận rằng, trước cả khi bóng đá nhập cuộc với các trận đấu ở Cúp quốc gia 2020, xe đạp mới là môn tiên phong trong nỗ lực trở lại, bằng cuộc đua tranh Cúp Truyền hình TPHCM 2020 từ ngày 19-5. Sau giai đoạn tạm dừng vì dịch Covid-19, không chỉ xe đạp và bóng đá, các môn thể thao trọng điểm của Việt Nam như điền kinh, bơi lội, bắn súng, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, võ thuật, thể dục, cử tạ… cũng đều trăn trở với việc hoàn thành kế hoạch năm 2020 ra sao để không tác động tiêu cực đến sự chuẩn bị của ngành TDTT cho mục tiêu tranh vé tham dự Olympic Tokyo 2020 (được dời lại vào tháng 7-2021).
Nút thắt tâm lý được cởi bỏ khi Tổng cục TDTT tuyên bố khôi phục lại hoạt động cho các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ từ giữa tháng 5 (đối với những môn tập luyện trong nhà), và kể từ đầu tháng 6 đối với các hoạt động thể thao ngoài trời. Thành thử, khi hơn 20 giải đấu thể thao đỉnh cao và nghiệp dư được Tổng cục TDTT cấp phép tổ chức từ giữa tháng 6, giới làm nghề cảm nhận ngay được giá trị của sự trở lại đối với sự nghiệp mà họ theo đuổi.