Điểm sáng thu hút đầu tư

Những năm qua, tỉnh Long An có bước đột phá mạnh mẽ về phát triển hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được, phát triển hạ tầng giao thông được xem là một “điểm sáng” cho tỉnh trong thu hút đầu tư, cũng như cải tạo hạ tầng giao thông, nhất là kết nối với TPHCM và các tỉnh thành lân cận.
Đường tỉnh 830 - tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc… ra cảng Long An
Đường tỉnh 830 - tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc… ra cảng Long An

Đòn bẩy trong phát triển kinh tế

Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết, trong những năm gần đây, Long An có bước đột phá mạnh mẽ về phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh sự đầu tư của Trung ương vào hệ thống các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ N1, N2, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây… đi qua địa bàn tỉnh, Long An cũng đã tập trung, dốc sức, huy động nhiều nguồn lực tham gia vào đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng GTVT của tỉnh.

Việc đầu tư và khai thác tuyến Đường tỉnh 830 kết nối 4 huyện trọng điểm phát triển công nghiệp (gồm Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước) đến cảng Long An… cũng mang lại những kết quả tích cực. Các tuyến giao thông huyết mạch này đã đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm.

Hạ tầng giao thông được xem như “xương sống” trong phát triển kinh tế của địa phương. Nó có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối đến các khu, cụm công nghiệp. Do vậy việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, ngoài việc góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, nước ngoài về Long An, mà qua đó còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân. Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, việc đầu tư dự án Đường tỉnh 830 từ Đức Hòa về cảng Long An, khi đưa vào khai thác sử dụng đã đáp ứng phần lớn nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa các khu, cụm công nghiệp; giữa các địa phương trong tỉnh; tăng giao thương với các tỉnh thành bạn… đang tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc… ra cảng Long An để xuất khẩu và ngược lại.

Ngoài ra, công trình trọng điểm Đường Vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây cũng đang được triển khai thực hiện, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Công trình này vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện lân cận, vừa mang tính kết nối giao thông với tỉnh Tiền Giang, giảm áp lực phương tiện trọng tải lớn lưu thông trong nội thành, kéo giảm tai nạn giao thông…

Nhiều tiềm năng

Long An có vị trí tiếp giáp với TPHCM, là “cửa ngõ” kết nối miền Tây, lại nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế. Cho nên cần phải có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, để đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài…

“Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định trong 5 năm tới. Do đó, việc tập trung đầu tư theo định hướng của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh sẽ góp phần quan trọng để tỉnh Long An xây dựng nền tảng phát triển nhanh, bền vững và hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng ĐBSCL, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

Đường cao tốc Trung Lương - TPHCM đi qua Long An, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh

Đường cao tốc Trung Lương - TPHCM đi qua Long An, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh

Theo đồng chí Nguyễn Văn Được, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 có nhấn mạnh đến việc đầu tư 3 công trình trọng điểm: đường Vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, đường tỉnh 827E và đường tỉnh 830E. Đây là những công trình quan trọng mà địa phương đã và đang tập trung triển khai thực hiện. Hiện nay, công trình đường Vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây đang được thi công, dự kiến đưa vào khai thác dự án vào cuối năm 2023. Đường tỉnh 830E đang hoàn chỉnh thủ tục pháp lý, dự kiến khởi công quý 1-2023. Đường tỉnh 827E dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Nhìn chung, các công trình trọng điểm triển khai theo đúng kế hoạch. Thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai dự án Đường tỉnh 827E, hoàn thành Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

“Việc triển khai và hoàn thành 3 công trình trọng điểm này sẽ là một điểm sáng cho tỉnh trong thu hút đầu tư cũng như cải tạo năng lực hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối với TPHCM và các tỉnh thành lân cận trong vùng”, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Long An, cho biết: Quy mô nền kinh tế của tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Là một trong những tỉnh đứng đầu về thu hút đầu tư so với các tỉnh thành ĐBSCL, đồng thời có nguồn thu ngân sách cao trong khu vực. Theo đó, nguồn vốn FDI hiện đứng đầu ĐBSCL và thứ 9 cả nước. Long An đã thu hút trên 1.150 dự án FDI từ khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký trên 9,96 tỷ USD. Trên địa bàn tỉnh có gần 15.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 360.900 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD) và hơn 71.600 hộ kinh doanh cá thể; có gần 2.200 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với vốn đăng ký trên 268.300 tỷ đồng (tương đương 11,5 tỷ USD). Riêng 10 tháng đầu năm 2022, thành lập mới 1.275 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ với số vốn đăng ký 17.543 tỷ đồng. Cấp mới 77 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký mới hơn 19.556 tỷ đồng. Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 43 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 308 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục