Điện lực Kon Tum sẽ không dừng phát nếu thủy điện phát vượt công suất

Công ty Điện lực Kon Tum vừa tổ chức đối thoại với với các nhà đầu tư thủy điện, trong đó, thống nhất trong một số thời điểm phát vượt, đơn vị sẽ đề nghị chủ đầu tư giảm công suất chứ không có động thái dừng phát điện như một số thời điểm trước.
Công ty Điện lực Kon Tum

Công ty Điện lực Kon Tum

Sau khi Báo SGGP Online phản ánh việc 10 nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ TN-MT… về một số vướng mắc, ngày 3-7, Công ty Điện lực Kon Tum tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư thủy điện này.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum chủ trì buổi đối thoại.

Trả lời Phóng viên Báo SGGP sau khi kết thúc buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC), đơn vị đã đề nghị các chủ đầu tư thủy điện chỉ phát công suất được ghi trong hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, có một số thời điểm, các nhà máy thủy điện phát vượt công suất.

Vừa qua, các chủ đầu tư có kiến nghị cho phép phát công suất trong khả năng có thể. Tuy nhiên, pháp luật chỉ cho phép phát theo công suất đã ký trong hợp đồng mua bán điện. Phía EVNCPC cũng có văn bản báo cáo EVN xin ý kiến Bộ Công thương cho phép điều chỉnh hợp đồng mua bán điện. Hiện đơn vị đang chờ văn bản hướng dẫn.

Trong buổi làm việc với chủ đầu tư vào sáng ngày 3-7, đơn vị thống nhất với các chủ đầu tư thủy điện, trong thời gian chờ hướng dẫn, chủ đầu tư vẫn phát theo công suất trong hợp đồng mua bán điện. Trong một số thời điểm phát vượt, đơn vị sẽ đề nghị chủ đầu tư giảm công suất chứ không có động thái dừng phát như một số thời điểm trước.

Ông Nguyễn Văn Hạnh (bên phải), Giám đốc Công ty điện lực Kon Tum trả lời Báo SGGP

Ông Nguyễn Văn Hạnh (bên phải), Giám đốc Công ty điện lực Kon Tum trả lời Báo SGGP

Cũng theo ông Hạnh, đối với phần chủ đầu tư đã phát vượt công suất, thực tế hiện nay pháp luật chưa có quy định nào quy định về việc thanh toán phần công suất phát vượt này. Hiện nay, EVNCPC đang “treo lại” và đã có văn bản báo cáo EVN xin ý kiến. Nếu EVN, Bộ Công thương, Bộ Tài chính cho phép thanh toán phần công suất phát vượt, EVNCPC sẽ chi trả ngay phần vượt công suất cho các chủ đầu tư.

Trước đó, như Báo SGGP đã phản ánh, các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum đã đề nghị EVNCPC xem xét trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được phát tối đa công suất theo khả năng nguồn nước cho phép, nhất là trong tình trạng bối cảnh thiếu điện như hiện nay. Các chủ đầu tư cũng đề nghị được phép phát lớn hơn điện lượng trung bình năm được phê duyệt đối với các năm có lượng nước đến nhiều; thanh toán sản lượng phát vượt đã huy động.

Tin cùng chuyên mục