
Báo ĐTTC số 323 ra ngày 7-6-2010 có bài “Làm khó doanh nghiệp” phản ánh tình trạng gần đây các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS có muốn đóng tiền sử dụng đất (SDĐ) cũng không được, vì thủ tục xác định giá thị trường khi tính tiền SDĐ quá phức tạp. Đến nay vấn đề này vẫn chưa được tháo gỡ.
Phức tạp khi định giá
Theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP, nếu DN được giao đất không qua đấu giá, đấu thầu mà giá đất nhà nước vào thời điểm giao đất chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, UBND cấp tỉnh - thành sẽ định lại sát với giá chuyển nhượng trên thị trường. Theo đó, số tiền SDĐ mà DN phải nộp là tiền SDĐ theo giá thị trường trừ đi số tiền DN bỏ ra bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy quy định thu tiền SDĐ theo sát giá thị trường nhưng thủ tục xác định giá đất sát giá thị trường lại rất phức tạp. DN phải thuê công ty tư vấn thẩm định giá và phải qua hội đồng xét duyệt. Chính điều này gây ách tắc cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Do chưa thể nộp tiền sử dụng đất nên không tính được giá thành dự án. Ảnh: LÃ ANH
Trên thực tế, từ lúc đi vào cuộc sống, quy định về đóng tiền SDĐ 100% theo giá thị trường đang vấp phải những rắc rối khi thực hiện. Hiện nay có rất nhiều dự án đã bán nhà nhưng chưa nộp tiền SDĐ. Khi lập dự án, DN đã tính toán số tiền này với một mức khác, nay lại phải nộp một mức khác, dẫn đến xung đột: DN đóng hay người dân phải đóng? Không biết sẽ đóng bao nhiêu tiền SDĐ nên dẫn đến hệ lụy là DN không dám bán dự án do không thể tính được giá thành, thị trường cũng vì thế mà chững lại. Chưa kể việc này sẽ khiến cho các dự án nhà giá thấp càng ì ạch.
Theo phản ánh của nhiều DN, Sở Tài chính TPHCM đang áp dụng phương thức tính tiền sử dụng đất dự án mới. Theo đó, cơ quan tài chính yêu cầu DN mời tư vấn độc lập định giá khu đất theo sát giá thị trường, lấy đó là căn cứ để thu tiền SDĐ với mức 100%. Tuy nhiên cách làm này đang bị đánh giá là vừa phức tạp, vừa đẩy số tiền phải nộp lên cao.
Bối rối cách gỡ
Trên thực tế, các cơ quan chức năng cũng đang tỏ ra bối rối khi tìm cách gỡ cho DN bởi sự lòng vòng trong các văn bản pháp luật, cũng như giữa các cơ quan thực thi. Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Phạm Đình Cường thừa nhận việc hiểu và tính giá thị trường của đất đai được nêu trong Nghị định 69 rất khó. Tuy nhiên ông Cường khẳng định Nghị định 69 đã ảnh hưởng tích cực tới các địa phương có nhiều dự án, chủ đầu tư và cả những đối tượng thụ hưởng lợi ích từ chính sách mới.
Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường), Nghị định 69 ra đời do Chính phủ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và nhằm giúp DN có thêm mặt bằng đầu tư. Nghị định này có một số tác động tích cực đối với DN, nhất là DN BĐS: rút ngắn thời gian thu hồi đất và giảm thủ tục phê duyệt tổng thể phương án bồi thường; thu hồi đất đến đâu bàn giao đến đấy, giúp DN có thể triển khai dự án theo kiểu cuốn chiếu; tiền SDĐ được trừ kinh phí giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề chuyển đổi cho người dân mất đất; gia hạn SDĐ…
Ông Chính nhấn mạnh: “Nguyên nhân của ách tắc trong việc nộp tiền SDĐ ở TPHCM hiện nay không phải do Nghị định 69. Bởi quy định về việc xác định lại giá đất trong một số trường hợp cụ thể tại Điều 11 Nghị định 69 là từ Nghị định 123 (năm 2007), về cơ bản không có gì mới”.
Nghị định 69 tinh giản rất nhiều thủ tục hành chính cho các DN, vậy tại sao việc xác định giá thị trường để DN và người dân có thể nộp thuế SDĐ lại trở nên khó hiểu đến thế? Theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh, chỉ cần các cơ quan chức năng ban hành một thông tư, trong đó hướng dẫn rõ đóng thuế SDĐ theo bảng giá đất do địa phương công bố hàng năm căn cứ theo giá thị trường và đóng thuế trên diện tích đất xây dựng nhà ở cho người dân… là mọi vướng mắc sẽ được tháo gỡ.
Ông Phạm Đình Cường hứa hẹn trong một vài ngày tới, đoàn công tác của Bộ Tài chính sẽ vào TPHCM làm việc và sẵn sàng đối thoại với từng DN đang bị vướng mắc.
KHÔI NGUYÊN - HIỀN LƯƠNG (ĐT-TC)