Định hướng nghề nghiệp tương lai cho VĐV

Do chu kỳ thành công trong thi đấu của vận động viên đỉnh cao chỉ khoảng 10 năm nên việc “trao cần câu”, tức là định hướng nghề nghiệp cho vận động viên, có tính thực tế hơn “cho con cá”.
Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Ảnh minh họa
Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Ảnh minh họa

Theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ, trong tháng 11, chương trình truyền thông khởi nghiệp cho nữ vận động viên (VĐV) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Cục Thể dục thể thao, Ban Phụ nữ Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại TPHCM. Chương trình này cung cấp cho các VĐV, nhất là VĐV nữ, những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, qua đó giúp VĐV suy nghĩ, tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để một ngày không xa biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và thành công.

Theo báo cáo của ngành thể dục thể thao, chỉ có khoảng 15-20% các tuyển thủ quốc gia, VĐV xuất sắc trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất với tấm bằng đại học chuyên ngành thể thao sau khi dừng thi đấu chuyên nghiệp. Vấn đề giải quyết việc làm, định hướng nghề nghiệp cho VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp là một việc hết sức khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là nhiều VĐV không có định hướng và chuẩn bị hành trang sau khi nghỉ thi đấu dù biết giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp thường chỉ khoảng 10 năm.

Cách đặt vấn đề của chương trình không mới nhưng có tính cấp thiết hiện nay về những đòi hỏi mang yếu tố thời điểm lẫn tính khả thi. Đầu tiên, thu nhập của VĐV thông qua hoạt động thi đấu chưa được cải thiện do tiến độ chuyên nghiệp hóa ngành thể thao còn chậm trong khi ngân sách nhà nước về nguyên tắc sẽ giảm dần. Khả năng tích lũy của VĐV sẽ không có, nhất là VĐV nữ, do số lượng giải, ngày thi đấu trong năm ít hơn nam. Kế đến, với sự thuận lợi của sự phát triển truyền thông, mạng xã hội, nếu có tư duy khởi nghiệp và biết tận dụng lợi thế hình ảnh cá nhân khi còn đang thi đấu đỉnh cao, VĐV nữ rất dễ tiếp cận với một số công việc hay lĩnh vực kinh doanh phù hợp. Có định hướng cho tương lai sớm cũng thúc đẩy VĐV tích lũy phần thu nhập thời đỉnh cao của mình hợp lý hơn để khi nghỉ thi đấu là có thể bắt tay triển khai ý tưởng.

Không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam, nhiều VĐV đã khởi nghiệp bằng chính năng lực trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Nhiều người khá thành công trong khi vẫn giữ được đà tập luyện, thi đấu. Như tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đã ổn định kinh tế với một cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị cầu lông tại TPHCM, làm đại sứ hình ảnh cũng như tư vấn chuyên môn cho các thương hiệu sản xuất dụng cụ thi đấu. VĐV thể hình Phạm Văn Mách, Lý Đức sớm trở thành chủ nhân các phòng tập thể dục thể hình. “Tiểu tiên cá” Ánh Viên quản lý hồ bơi, chân chạy Nguyễn Thị Oanh khá thành công với việc bán giày thể thao…

Do chu kỳ thành công trong thi đấu của VĐV đỉnh cao chỉ khoảng 10 năm nên việc “trao cần câu”, tức là định hướng nghề nghiệp cho VĐV, có tính thực tế hơn “cho con cá”. Không phải VĐV nào cũng nổi tiếng hay có khả năng tương tác xã hội tốt để tìm được các khoản thu nhập từ quảng cáo, tài trợ. Vì thế, giúp VĐV khởi nghiệp sau khi kết thúc sự nghiệp không chỉ mang tính nhân văn mà còn tránh lãng phí kiến thức và những gì mà nhà nước đã đầu tư cho họ. Nếu chương trình truyền thông được thực hiện đúng, các VĐV có thể sử dụng kiến thức chuyên môn tạo ra các sản phẩm thể thao phục vụ cộng đồng. Hoặc ít nhất, họ cũng là người có công ăn việc làm khi trở thành công nhân, nhân viên của các doanh nghiệp đang sở hữu CLB mà họ thi đấu...

Tin cùng chuyên mục