Đìu hiu chợ xe cũ

Đóng cửa, sang tiệm cũng khó
Đìu hiu chợ xe cũ

Quy định của Nghị định 71/CP về phạt nặng đối với việc không chuyển quyền sở hữu xe đã khiến những người đang đi xe không “chính chủ” xôn xao, lo lắng suốt mấy tuần qua. Thế nhưng, người đã phải điêu đứng, chịu hệ lụy trước tiên chính là các chủ cửa hàng bán xe máy đã qua sử dụng, vì hầu hết các xe đang bán đều là xe mua đi sang lại nhiều lần hoặc thế chấp, rất khó tìm ra “chính chủ” nên không bán được.

Một cửa hàng kinh doanh xe cũ trên đường Hoàng Văn Thụ vắng khách mua. Ảnh: Thanh Hải

Một cửa hàng kinh doanh xe cũ trên đường Hoàng Văn Thụ vắng khách mua. Ảnh: Thanh Hải

Đóng cửa, sang tiệm cũng khó

Hiện nay hầu hết các cửa hàng kinh doanh xe máy cũ trên các con đường TPHCM như Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh), Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), Lũy Bán Bích, Thoại Ngọc Hầu (Tân Phú), Tỉnh lộ 10 (Bình Tân)… đều lâm vào cảnh đìu hiu chợ chiều.

Nhiều chủ cửa hàng  than đã hơn 2 tuần qua chưa bán được chiếc xe nào. Các năm trước, thời điểm này là vào mùa kinh doanh nhộn nhịp, do có nhiều người muốn đổi xe đón tết, mang xe cũ đến bán, bù thêm tiền “lên đời xe”. Kinh tế suy thoái, thu nhập sụt giảm nên ít người sắm sửa xe nhưng tác động của Nghị định 71/CP mới thực sự khiến thị trường xe máy cũ ế ẩm.

Anh Nguyễn Hồng Anh, chủ cửa hàng xe cũ trên đường Phan Đăng Lưu, rầu rĩ: “Kinh doanh xe cũ hơn 20 năm, chưa lúc nào tôi gặp tình cảnh thị trường xe cũ bi đát như thế này”. Chị Trần Ngọc Lành, chủ cửa hàng xe cũ trên đường Hoàng Văn Thụ, cũng cho biết: “Từ khi có quy định phạt nặng đối với việc không chuyển quyền sở hữu xe, có nhiều người đem xe cũ ra bán, nhưng không có người mua, do vậy chúng tôi không dám mua vào. Suốt gần cả tháng qua chưa bán được chiếc nào, trong khi một tháng tiền thuê mặt bằng và nhân viên đã gần 30 triệu đồng. Đóng cửa thì chôn vốn, mà sang lại cửa hàng cũng không được”.

Nhiều chủ cửa hàng xe cũ còn phải vất vả chạy lo việc sang tên đổi chủ cho những xe đã bán trước đây không lâu. Có khi không sao liên lạc được với chủ cũ của xe nên cửa hàng đành phải đổi xe khác cho khách hàng. Nhiều chủ cửa hàng phải mất tiền cho “cò” lo việc chạy tìm chủ cũ và sang tên cho khách. Hưng “mập”, một tay cò trong giới buôn bán xe máy cho biết, xe ngoài tỉnh phải mất hơn 2 tuần mới sang tên được, còn nếu tự lo, không qua cò, phải hơn 1 tháng mới sang tên được.

Lâm vào tình thế bi đát nhất là các chủ cửa hàng xe cũ trên Tỉnh lộ 10 và đường Thoại Ngọc Hầu. Phần lớn xe ở đây toàn là xe “cỏ”, xe buôn (xe đã qua nhiều đời, chỉ có giấy tờ xe) bán cho các công nhân, người lao động với giá phải chăng. Khách hàng hầu hết là dân lao động, chỉ cần mua những xe ít tiền, biển số TPHCM, dễ dàng bán lại nếu như thấy không cần thiết.

Ông Lê Hồng Tâm, một chủ cửa hàng xe cũ trên Tỉnh lộ 10, thở dài cho biết: “Trong tiệm phần lớn là xe “cỏ”. Người mua chỉ cần 3 - 5 triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc xe, nên họ không muốn sang tên tốn tiền, với lại họ không có hộ khẩu TPHCM nên cũng không thể sang tên”.

Không thể nào thành xe “chính chủ”?

Đồng cảnh ngộ với các cửa hàng xe cũ là các tiệm cầm đồ, đang phải ôm một số lượng lớn xe “cỏ”. Nhiều tiệm đã cầm những xe ngoài tỉnh giá rẻ, nay không thể bán ra được.

Anh Lê Tùng Mạnh, chủ tiệm cầm đồ trên đường Lũy Bán Bích, chỉ vào những chiếc xe cũ đang dựng trong tiệm cho biết: “Trước đây, tiệm đã cầm rất nhiều xe khác tỉnh. Kinh doanh kiểu này rất dễ, vì người lao động chỉ cần có xe và giấy tờ xe là có thể chạy được. Nhưng bây giờ không được. Nhiều chiếc ở miền Trung giờ đi xác minh xe tốn rất tiền và không có thời gian”.

Tương tự, các cửa hàng ô tô cũng đồng cảnh ngộ. Đa phần sang tên, đổi chủ phải tốn khoảng 10% giá trị chiếc xe, nên rất ít người sang tên. Nhiều cửa hàng phải hạ giá bán để giúp một phần cho người mua xe có thể sang tên, đổi chủ.

Thực tế cho thấy việc đòi hỏi phải là xe “chính chủ” đang đặt nhiều người vào cảnh khó. Nhiều xe thế chấp, mua bán, có giấy tờ xe nhưng đã qua nhiều đời chủ không sang tên. Nhất là các xe máy cũ được người nghèo mua đi bán lại làm phương tiện vận chuyển và kiếm sống, trị giá xe rất thấp, nên lâu nay việc mua bán chỉ cần đưa giấy tờ xe, bỏ qua thủ tục rườm rà, tốn kém, nay không thể nào thành xe chính chủ được”.

Trả lời phỏng vấn của báo chí, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nhận định: Nghị định 71/CP đã không bảo đảm được yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tính khả thi trong nội dung phạt hành chính hành vi không chuyển quyền sở hữu xe. Mức phạt quá cao làm cho nhiều người dân hoặc có phản ứng cực đoan với chính sách của nhà nước và người trực tiếp thực thi, hoặc tìm cách lách luật, trong đó không loại trừ việc chung chi cho cảnh sát giao thông.

Do vậy rất cần điều chỉnh Nghị định 71/CP cho hợp lý, hợp tình, bảo đảm tính khả thi. Cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán các xe cũ có đủ giấy tờ mà không cần đòi hỏi phải sang tên từ “chính chủ”. Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan cần phải thống nhất thủ tục thật đơn giản để người mua xe cũ dễ dàng sang tên.

Hải Thanh

Tin cùng chuyên mục