“Đồ nhỏ” không nhỏ!

Mấy ngày qua, chuyện nhỏ về “đồ nhỏ” của phụ nữ - cụ thể là cái áo nịt che ngực phụ nữ - bỗng dưng trở thành chuyện lớn khiến toàn xã hội quan tâm. Mọi chuyện bắt đầu từ thông tin áo nịt ngực có xuất xứ từ Trung Quốc mang “chất lạ” có thể tàn phá nhan sắc và sức khỏe phái đẹp, người ta bèn nháo nhác tìm kiếm thủ phạm: ở ngoài chợ thì quản lý thị trường kiểm tra quầy hàng để niêm phong, thu giữ “tang chứng, vật chứng”, còn trong nhà thì cả vợ và chồng thi nhau lục soát, soát xét, thậm chí rạch nát chiếc áo ngực để coi bên trong có chứa chất lỏng và hạt gì để khỏi áy náy vì nó có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Dĩ nhiên trong cái lùm xùm này, khổ nhất vẫn là người phụ nữ vốn chắt chiu từng đồng tiền lo cho gia đình - đã không dám sắm sửa cho mình “hàng hiệu” cỡ Triumph để tạm bằng lòng với “hàng chợ”, có giá chỉ vài chục ngàn đồng nhưng ẩn chứa đầy cạm bẫy.

Và cũng như mọi lần, lần này, người tiêu dùng đành phải tặc lưỡi: Đời là bể khổ và có khổ với cái áo nịt ngực cũng chỉ là một thử thách cho cuộc đời.

Vì còn biết làm gì khi mà động đến cái gì người ta cũng phán là nó “lạ”, từ đồ ăn “lạ”, bệnh “lạ”, chất “lạ”, đến cả tàu “lạ” và người cũng “lạ” luôn. Cho nên chuyện cái áo nịt ngực chỉ là chuyện nhỏ nếu so sánh với chuyện hệ trọng như chuyện cháy nổ xe mà theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thật lạ là đến nay Bộ Khoa học- Công nghệ cũng chưa có kết luận đâu là nguyên nhân dẫn đến thảm họa này. Lâu nay về nguyên cớ xe cộ cứ bỗng dưng bốc cháy, công luận đã đặt nghi vấn vào xăng pha tạp chất, xăng chứa quá nhiều methanol nhưng bộ chủ quản lại cứ thảnh thơi… phải chờ nghiên cứu chi tiết, phải làm rõ này kia để “chỉ tận tay, day tận mặt” chứ không thể nói khơi khơi làm mất “quan điểm”.

Khổ thế, bộ nào nói cũng đúng, cũng có lý của mình vì chuyện là chuyện “lạ” mà. Và động đến cái “lạ” thì rõ ràng là phải “cần có sự phối hợp của các bộ, ngành”. Trả lời các đại biểu Quốc hội về tâm trạng bất an với tình trạng thực phẩm độc hại tràn lan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đây là trách nhiệm của ba bộ (Y tế, Công thương, NN-PTNT) và cần thiết phải tăng cường giám sát. Thật quá đơn giản và đơn giản đến mức bệnh “lạ” từng xảy ra nhiều năm ở Ba Tơ, Quảng Ngãi mà hết đoàn này đến đoàn kia đến truy tìm vẫn chưa có kết luận rõ ràng ngoài đánh giá “hi hữu, chưa từng xảy ra trên thế giới”. Chỉ tội cho người dân địa phương phải oằn người cho lấy mẫu thử hết tháng này đến năm khác trong khi chờ tìm ra tác nhân thật sự gây bệnh và đưa ra phác đồ điều trị lành bệnh.

Trở lại chuyện cái áo nịt ngực, đến giờ câu trả lời vẫn hết sức mông lung như kiểu “Đây là sản phẩm thương mại nhưng có ảnh hưởng đến sức khỏe nên ngành y tế cũng có trách nhiệm. Tuy nhiên để làm rõ và xử lý vấn đề này cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan” (Chánh Thanh tra Sở Y tế Phú Yên phát biểu trên báo Pháp Luật TPHCM). Như thế, dẫu sản phẩm này đã bày bán tràn lan trong cả nước song để làm rõ nó có độc hay không lại phải chờ quy trình: lấy mẫu, gửi kiểm định, xác định mức độ nguy hại của các gói dung dịch bên trong và sau đó ngồi lại giữa các bộ Công thương, Khoa học - Công nghệ, Y tế để cùng bàn thảo cách xử lý… Và đúng là khó khi không thể làm sai quy trình, không thể “đốt cháy” giai đoạn dù cho người dân thấy khó thở vì “vật lạ” có trong cái áo ngực!

Hơn lúc nào hết, trách nhiệm trước người dân, mà nói cụ thể là trách nhiệm trước sức khỏe người dân, phải được phân rõ ai chịu trách nhiệm trực tiếp, chứ không thể lòng vòng, đùn đẩy giữa các bộ, ngành. Không thể đổ cho chuyện “lạ” dù nó không hề “lạ” trong mắt người dân. Như trong chuyện nhập gà loại thải từ Trung Quốc, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, sau khi phê phán cách đổ thừa trách nhiệm giữa các tỉnh biên giới và các tỉnh nội địa, đã thẳng thắn nói: “Nếu làm quyết liệt, làm có trách nhiệm, không tiếp tay thì chắc chắn các đầu nậu, chủ vựa lớn sẽ không làm được. Chẳng hạn con giống nhập lậu, họ có giấy kiểm dịch hết. Vậy ai cấp giấy đó? Thì chính thú y chứ ai!...”.

Bích An

Tin cùng chuyên mục