Doanh nghiệp bánh kẹo chủ động tìm chỗ đứng

Đối phó với những thay đổi trong hành vi mua sắm tiêu dùng của khách hàng cùng làn sóng hàng ngoại nhập giá rẻ tràn vào, doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh kẹo trong nước đang có những chiến lược phù hợp hơn để “bắt sóng” được thị hiếu ngày càng thay đổi của người tiêu dùng Việt.

Thị trường tiềm năng, nhiều cạnh tranh

Theo Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), mặc dù tăng trưởng của ngành bánh kẹo đã chậm lại ở mức 5%- 8% trong giai đoạn 2015-2020 song quy mô doanh thu của lĩnh vực này vẫn không ngừng tăng nhanh.

Cụ thể, nếu như năm 2013 doanh thu toàn ngành chỉ đạt khoảng 26.000 tỷ đồng thì đến năm 2017 tăng lên 40.000 tỷ đồng và năm 2020 BMI cũng dự báo doanh thu của ngành sẽ vào khoảng 51.000 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD). Đặc biệt, quy mô của ngành bánh kẹo được dự báo sẽ còn tăng, khi dân số Việt Nam đông và trẻ, với lượng tiêu thụ bánh kẹo trên đầu người chỉ khoảng hơn 2kg/người/năm, thấp hơn so với mức 3kg/người/năm của thế giới. 

Đây cũng là điều dễ hiểu khi hồi đầu tháng 6 vừa qua Tập đoàn KIDO đã công bố việc quay trở lại mảng kinh doanh bánh kẹo sau 5 năm chuyển nhượng cho đối tác ngoại. Theo đại diện của KIDO, ngành bánh kẹo là lợi thế của DN nên khi quay lại mảng này công ty sẽ chọn những phân khúc sản phẩm có nhu cầu lớn và tự tin sẽ có lãi trong năm nay. 

Cùng với KIDO, thị trường bánh kẹo Việt lâu nay đã chứng kiến những tên tuổi nội địa đang tham gia và chiếm lĩnh thị phần nhất định như Bibica, Hữu Nghị, Phạm Nguyên, Hải Hà, Tràng An, Hải Châu, Biscafun, Hanobaco... Đó là chưa kể tới các thương hiệu ngoại như Kraft (Mỹ), Orion Food Vina, Meiji (Nhật Bản), Perfetti Van Melle, Liwayway/Oishi, Lotte (Hàn Quốc)…

Doanh nghiệp bánh kẹo chủ động tìm chỗ đứng ảnh 1 Bánh kẹo với mẫu mã đa dạng tại các kênh phân phối
Mặc dù là thị trường tiềm năng, song theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, thị trường bánh kẹo đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt bởi gần đây hành vi tiêu dùng của người Việt đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng và chi tiêu của khách hàng đã thay đổi. Chưa kể là gần đây Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực được dự báo sẽ tạo đà cho bánh kẹo từ châu Âu tràn vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ, người tiêu dùng đang “tự trao quyền” cho chính mình trong việc lựa chọn sản phẩm khi đa phần đều tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi mua sắm. Chính những thay đổi trên của thị trường buộc DN ngành bánh kẹo phải có chiến lược và bước đi phù hợp để có thể trụ vững trên sân nhà. 

Chủ động thích ứng

Trước những thay đổi nói trên, nhiều DN bánh kẹo cho biết đã phải điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng này. Chẳng hạn, Bibica định hướng thời gian tới sẽ tập trung phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm thân thiện với môi trường, phù hợp với vị trí trưng bày dù ở bất cứ không gian nào. Việc này nhằm giúp sản phẩm của DN được khách hàng nhận diện dễ dàng hơn. Trong khi đó, KIDO cho biết thay vì đa dạng hóa danh mục sản phẩm sẽ sàng lọc, nghiên cứu và sản xuất những nhóm sản phẩm có nhu cầu cao, quy mô thị trường lớn, mang lại hiệu quả ngay.

Ngoài những chiến lược trên, các DN bánh kẹo cho biết sẽ đẩy mạnh truyền thông, chiết khấu, hỗ trợ nhà phân phối cũng như thường xuyên ra mắt những sản phẩm mới. Bởi một sản phẩm bánh kẹo khi ra đời ngoài tiêu chí chất lượng thì còn phải đáp ứng được việc đa dạng nhu cầu của gia đình vào những thời điểm khác nhau. Hay như sản phẩm có thể được dùng cho đa dạng đối tượng khách hàng, ví dụ như người cao tuổi thì có nhu cầu sử dụng sản phẩm ít ngọt hơn, dễ tiêu hóa…  

Thực tế những thay đổi nói trên của các DN bánh kẹo đã và đang được người tiêu dùng nội địa đánh giá cao. Chị Nguyễn Mai Linh (ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ, so với 3 năm trước, các loại bánh kẹo trong nước giờ ngày càng phong phú, đa dạng và bắt mắt hơn. Về chất lượng, giá cả cũng dần san bằng khoảng cách so với bánh kẹo ngoại, thậm chí giá nhiều loại còn rẻ hơn nhưng chất lượng không hề thua kém.

Theo giới kinh doanh, thông thường vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng bánh kẹo sẽ tăng hơn. Chính vì thế, thời điểm này nhiều đơn vị đã có những kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và nghiên cứu sản phẩm mới để kịp thời ra mắt trong dịp cuối năm.

Tin cùng chuyên mục