Vấn đề bồi thường chi phí đào tạo

Doanh nghiệp có thể... trắng tay!

Tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam (VN) sẽ bị “chảy máu chất xám” sau khi gia nhập WTO, gần đây được cảnh báo như là một nguy cơ. Chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, VN phải mở cửa thị trường trong hầu hết các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, phân phối, nông nghiệp… Và, tất nhiên vấn đề nguồn nhân lực cho việc hoạt động, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng. Lợi thế mà họ muốn hướng đến chính là sử dụng nguồn nhân lực chất lượng có sẵn ở VN. Các công ty nước ngoài có ưu thế vượt trội về vốn, công nghệ, trình độ quản lý. Họ sẽ tìm mọi cách thu hút nguồn nhân lực trong nước có trình độ bằng những mức lương cũng như chế độ làm việc tốt hơn các doanh nghiệp trong nước.

Phần lớn nguồn nhân lực có trình độ cao được các doanh nghiệp (DN) đào tạo, hoặc cung cấp chi phí cho người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Lâu nay, rất nhiều DN tự tin rằng người lao động được cấp chi phí đào tạo, cùng với bản cam kết làm việc lâu dài tại DN sau khi được đào tạo sẽ không thể chấm dứt hợp đồng lao động với DN được. Nếu như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải chịu bồi thường chi phí đào tạo mà DN đã bỏ ra (thường là rất lớn, nếu như được đào tạo ở nước ngoài). Chính vì lẽ đó mà rất nhiều chủ DN ít chú ý đến những khả năng… mất người lẫn mất tiền.

Giám đốc một DN chuyên hoạt động về tư vấn luật, mới đây đã phải chấp nhận mất một nhân viên có năng lực, được DN cử đi đào tạo 2 năm tại Nhật Bản, mà không thể làm gì được. Ngay cả chi phí đào tạo bỏ ra cho nhân viên đi học cũng có nguy cơ không thể đòi người lao động bồi thường. Bởi vì là DN hoạt động tư vấn luật nên vị giám đốc này hiểu rất rõ luật VN có điều khoản…không thể đòi bồi thường chi phí đào tạo.

Theo Nghị định số 44/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, liên quan vấn đề bồi thường chi phí đào tạo, Điều 13 đã quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không phải bồi thường chi phí đào tạo, trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà thực hiện đúng và đủ các quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung.

Điều 37, khoản 3 của Luật Lao động sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.

Có thể thấy, đây là vấn đề mà hầu như các DN đã không quan tâm. Luật đã quy định rất rõ, cho nên người lao động am hiểu luật pháp đã không còn phải sợ bị “ràng buộc” với DN vì “bồi thường chi phí đào tạo” nữa. Sau khi được đào tạo, nếu như có những lý do khiến cho người lao động không thể ở lại DN nữa, họ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ bằng việc báo trước 45 ngày!

Trường hợp của DN tư vấn luật nói trên chắc chắn không phải là cá biệt. Nếu các DN không có chế độ quản lý tốt, không tạo điều kiện, môi trường lao động tốt, không chú trọng đến lợi ích của người lao động thì nguy cơ “chảy máu chất xám ngay trong nước”, DN có thể… trắng tay là hiện thực.

NGỌC LỮ

Tin cùng chuyên mục