Doanh nghiệp phải có ý thức đảm bảo an toàn phóng xạ

Ngày 7-4, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở KH-CN TPHCM) xung quanh công tác đảm bảo an toàn và ứng phó với sự cố phóng xạ trên địa bàn TPHCM.
Doanh nghiệp phải có ý thức đảm bảo an toàn phóng xạ

Ngày 7-4, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở KH-CN TPHCM) xung quanh công tác đảm bảo an toàn và ứng phó với sự cố phóng xạ trên địa bàn TPHCM.

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm nguồn phóng xạ thất lạc tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

* Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình sử dụng các nguồn phóng xạ tại TPHCM hiện nay?

* Ông ĐỖ NAM TRUNG: TPHCM là địa phương có số lượng thiết bị và nguồn phóng xạ cao nhất nước, chiếm khoảng 30%. Theo thống kê, hiện TP có khoảng 83 cơ sở sử dụng 422 nguồn phóng xạ. Trong đó, có 19 cơ sở sử dụng 78 nguồn phóng xạ di động có hoạt độ cao. Các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đã và đang được sử dụng ngày càng tăng trong các ứng dụng công nghiệp, xây dựng, hải quan... 

* Như vậy, phần lớn các nguồn phóng xạ đang nằm ở các doanh nghiệp. Việc thực hiện thanh, kiểm tra được thực hiện như thế nào?

* Hiện nay, theo quy định, các nguồn phóng xạ có hoạt suất cao (thuộc nhóm 1), sử dụng trong công nghiệp, phải do Cục an toàn bức xạ và hạt nhân cấp phép và trực tiếp thanh kiểm tra, trung bình từ 1-2 lần/doanh nghiệp trong khoảng thời gian không quá 3 năm.

Tuy nhiên, hiện công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Trước hết là việc thiếu các trang thiết bị bảo hộ và thiết bị đo đạc các nguồn phóng xạ hoạt độ cao. Hoặc việc phối hợp giữa Cục an toàn bức xạ và hạt nhân với Sở KH-CN địa phương còn chậm, dẫn đến ở địa phương khó kiểm soát hết các nguồn phóng xạ công nghiệp, đặc biệt là các thiết thiết bị di động có chứa phóng xạ để đo đạc ngoài hiện trường. 

Qua các sự cố mất cắp gần đây, dễ thấy các doanh nghiệp báo cáo với các cơ quan chức năng rất trễ, thường lúc đó, các thiết bị đã thất lạc từ 3 - 5 ngày và gây khó khăn cho quá trình tìm kiếm. Theo chế tài hiện hành, doanh nghiệp nào để xảy ra tình trạng mất cắp nguồn phóng xạ, tùy theo mức độ thiệt hại (chưa ảnh hưởng đến sức khỏe con người), sẽ bị phạt hành chính từ 20-100 triệu đồng. Tôi nghĩ cần nâng mức xử phạt để răn đe các đơn vị có sử dụng nguồn phóng xạ.

* Sau sự cố mất cắp nguồn phóng xạ hồi tháng 9 năm ngoái, UBND TPHCM đã giao cho Sở KH-CN TP và ICDRECC nghiên cứu gắn chip trên các thiết bị này để dễ quản lý. Hiện công việc này được triển khai đến đâu?

* Công việc này được triển khai từ đầu tháng 1-2015 cho đến nay. Trong đó, chip định vị đã hoàn thành và thử nghiệm lần 2. Từ ngày 8 đến 15-4, chúng tôi sẽ tiến hành lắp đặt chip trên 15 thiết bị phóng xạ của Công ty Apave (doanh nghiệp bị mất thiết bị phóng xạ hồi tháng 9-2014) để đánh giá lần cuối. Nếu ổn định, TPHCM sẽ cho lắp đặt chip định vị lên tất cả các thiết bị phóng xạ và dự kiến hoàn thành việc lắp đặt vào cuối năm 2015.

* Xin cảm ơn ông!

TƯỜNG HÂN

>> Bà Rịa – Vũng Tàu: Tổng lực tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc  

Tin cùng chuyên mục