* Gần 146 tỷ đồng thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID
(SGGP).- Ngày 24-11, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày Công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản lần thứ 5. Đây là hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) tổ chức.
Nhật Bản là thị trường truyền thống cho hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. Theo khảo sát mới đây của VINASA, 75% doanh nghiệp phần mềm Việt Nam coi Nhật Bản là thị trường chính hoặc một trong các thị trường chính. Về nội dung hợp tác, 75% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, 35% là cho thuê nguồn nhân lực, 30% là hoạt động gia công quy trình nghiệp vụ và hợp tác trong lĩnh vực nội dung số mới chỉ chiếm có 15%.
Theo VJC, Việt Nam hiện là đối tác gia công xuất khẩu phần mềm lớn thứ 3 của Nhật Bản (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành đối tác ưa thích nhất của các doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản, vượt qua cả Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ hoạt động Ngày CNTT Nhật Bản lần thứ 5, VINASA lần đầu tiên công bố “Danh mục nghề ngành phần mềm và dịch vụ CNTT” gồm 11 ngạch, 33 phân ngạch và 7 bậc. Đây là một phần của hệ thống xếp bậc nhân sự của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, gọi tắt là VRS do VINASA nghiên cứu xây dựng dựa trên Tiêu chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin Nhật Bản (ITSS) và danh mục Chứng chỉ châu Âu về nghề nghiệp tin học (EUCIP).
Cùng ngày, tại Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM, đã họp báo giới thiệu dự án KH-CN “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”. Dự án có tổng kinh phí đầu tư hơn 145 tỷ đồng, trong đó 124,825 tỷ đồng từ ngân sách Bộ KH-CN và 20,931 tỷ đồng từ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS). Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, đây là dự án có kinh phí lớn nhất từ trước đến nay do Bộ KH-CN đầu tư.
Dự án được thực hiện trong 4 năm nhằm thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32-bit công suất thấp có tính cạnh tranh cao và các lõi IP có liên quan, từ đó tiếp tục thiết kế và sản xuất chip RFID HF và UHF, đầu đọc RFID. Sau khi kết thúc dự án, CNS và ICDREC sẽ cùng phối hợp để kinh doanh các dòng sản phẩm.
TRẦN BÌNH - BÁ TÂN