Theo Bộ Công thương, sau hơn 1 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) đã mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đạt hai con số, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
UKVFTA đã đưa ra nhiều biện pháp để khuyến khích phát triển thương mại song phương. Đặc biệt, thuế nhập khẩu vào Vương quốc Anh sẽ được xoá bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo thuận lợi rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài các ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ... thì thông qua hiệp định này, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, được nhập khẩu miễn thuế đối với 14 mặt hàng. Qua đó, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đã tận dụng được lợi thế xuất khẩu vào Anh.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đánh giá dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh trong UKVFTA vẫn còn rất lớn vì hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường Anh.
Tham gia tọa đàm, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng: “Nếu không có UKVFTA thì xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh trong thời gian vừa qua sẽ giảm sút nhiều, giảm sút hơn mức năm”.
Một trong nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng xuất khẩu sang Anh vì lo ngại có nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao.
Trong khi từ góc độ của thương vụ, ông Cường đánh giá “chưa bao giờ thương hiệu Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam được người Anh quan tâm như hiện nay”. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam không nên chần chừ, quá đắn đo trong việc ưu tiên thúc đẩy sản phẩm của mình sang thị trường Anh mà phải nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa. “Thời điểm hiện nay là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam và sản phẩm Việt Nam ghi được dấu ấn của mình vào tâm trí của người tiêu dùng Anh. Thương vụ rất sẵn lòng đồng hành với các doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin cũng như tư vấn cho từng doanh nghiệp cụ thể để tiếp cận thị trường Anh”- ông Cường bày tỏ.
Chia sẻ thông tin về mặt hàng thủ y sản, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, dù có khó khăn đến mấy thì tôm của Việt Nam vẫn đang đứng ở vị trí số một tại thị trường Anh, luôn luôn chiếm tỷ trọng là 1/4 thị phần của thị trường Anh.
Năm 2022, mặc dù lạm phát ở mức cao, người tiêu dùng châu Âu thắt chặt chi tiêu, nhưng theo bà Hằng, đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh đạt 287 triệu USD, không bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện VASEP cũng cho biết, trong cái khó cũng ló cái may. “Anh là một thị trường tiêu thụ cá thịt trắng rất mạnh, mà Nga là nguồn cung cấp hàng đầu cho thị trường Anh. Do xung đột Nga - Ukraine nên nguồn cung từ thị trường Nga cho Anh bị hạn chế thì lại là cơ hội cho cá tra Việt Nam nhảy vào Anh để gia tăng thị phần trong năm 2022”- bà Hằng thông tin.
Mặc dù có nhiều lợi thế và tiềm năng như thế, nhưng đứng ở góc độ của chuyên gia về FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI, lại cho rằng, doanh nghiệp của chúng ta đang lãng phí nhiều cơ hội, chưa tận dụng hết những ưu đãi mà UKVFTA mang lại.
Theo đánh giá sau 1 năm thực thi hiệp định, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan mà các doanh nghiệp Việt Nam đạt được (tính trên kim ngạch) mới chỉ đạt có 17,2%. “Tức là trong 100 đồng chúng ta xuất khẩu sang thị trường Anh thì chỉ có 17,2 đồng là chúng ta tận dụng được các ưu đãi thuế quan. Tất nhiên không có nghĩa là hơn 80% kim ngạch là không được hưởng ưu đãi thuế quan vì có thể vẫn được hưởng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN), nhưng rõ ràng là có đâu đó vài chục phần trăm chúng ta chưa tận dụng được”.
Để gia tăng tận dụng ưu đãi thuế quan cũng như đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh khi thực thi UKVFTA, bà Tôn Nữ Thục Uyên - Phó Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) đề nghị các doanh nghiệp lưu ý, Vương quốc Anh đang tiến hành xây dựng và ban hành những quy định về TBT, tức là liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp mới cho thị trường của riêng Anh khi nước này rời khỏi EU.
TBT là Hiệp định về Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại - là một trong số 29 văn bản pháp lý nằm trong Hiệp định WTO, quy định nghĩa vụ của các thành viên nhằm đảm bảo rằng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, thủ tục đánh giá sự phù hợp không tạo ra những cản trở không cần thiết đối với thương mại.
“Từ tháng 3-2021, sau thời điểm Anh rời khỏi EU thì trong vòng gần 2 năm nay, Anh đã thông báo xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung khoảng 34 quy định về TBT và chiếm khoảng 35% tổng số quy định về TBT mà Anh đã sửa đổi, xây dựng mới từ năm 1997 tới nay”- bà Thục Uyên thông tin.
Hiện nay, theo cam kết về TBT thì các nước phải thông báo các dự thảo của biện pháp TBT cho các nước khác đóng góp ý kiến, bao gồm cả Việt Nam chúng ta. Do đó, trong trường hợp các biện pháp này gây cản trở thương mại quá mức cần thiết hoặc quy định khắt khe hơn hoặc không dựa trên tiêu chuẩn quốc tế như cam kết TBT đã đưa ra, bà Thục Uyên đề nghị doanh nghiệp chủ động góp ý dỡ bỏ rào cản ngay từ khi rào cản chưa hình thành, còn là dự thảo.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho biết quy trình, thủ tục của Anh bây giờ không cùng một quy trình với EU nữa nên doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm quen lại. Đồng tình với nhận định sẽ có những quy định của Anh mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa được biết đến và có những quy định mà doanh nghiệp không phân biệt được là của Anh khác với thị trường EU như thế nào, đại diện VASEP đề nghị cần giúp doanh nghiệp (nhất là thủy sản) nắm bắt nhiều hơn về những thay đổi chính sách của thị trường Anh để tránh những khó khăn, vướng mắc không đáng có.