Đôi điều suy ngẫm về Espéranto

Đại hội quốc tế về quốc tế ngữ Espéranto đang diễn ra ở nước ta. Trong các ngôn ngữ nhân tạo được biết đến từ lâu, Espéranto có đời sống khá bền và năng động hơn nhiều so với các ngôn ngữ nhân tạo khác như Volapuk, Interlingua…

Espéranto với ý nghĩa là “Người đang hy vọng” được Zamenhof, một bác sĩ người Ba Lan, soạn thảo và công bố năm 1887. Ước muốn của vị bác sĩ đáng kính này là một khi con người có ngôn ngữ chung, mọi xung đột sẽ giảm đi vì sẽ được giải quyết nhanh chóng. Ngày nay ta thấy ước muốn đó có phần không tưởng, bởi lẽ ngôn ngữ không quyết định gì nhiều trong việc tranh giành quyền lực trên thế giới. Quy luật chung là các cường quốc tìm cách áp đặt bá quyền không những trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị mà còn ngôn ngữ nữa. Điều đó giải thích tại sao cho đến nay Liên hiệp quốc cũng như UNESCO không đề xuất một ngôn ngữ nhân tạo nào cho toàn thế giới, bởi có thể do sự áp đặt của Mỹ nên chấp nhận tiếng Anh trong các giao tiếp thực tiễn. 

Lịch sử ghi nhận một số cơ hội bị bỏ lỡ đối với Espéranto. Trong bước đầu thành lập chính quyền Xô Viết, Lênin có nghĩ đến chủ trương sử dụng Espéranto cho các giao dịch quốc tế khi phát biểu: “Espéranto sẽ là ngôn ngữ của giai cấp công nhân (toàn thế giới)”. Sau khi Lênin qua đời, Stalin lại cho rằng ngôn ngữ quốc tế cho tương lai là sự hòa nhập nhiều ngôn ngữ tự nhiên lại với nhau (sự hội tụ các ngôn ngữ). Nhưng thực tế lịch sử lại cho thấy điều ngược lại: tính phân kỳ ngôn ngữ, tức là từ một ngôn ngữ gốc chia ra nhiều ngôn ngữ nhánh. 

Chẳng hạn, từ gốc Rôman sinh ra các ngôn ngữ Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha, Romania; từ gốc Slave sinh ra các thứ tiếng Nga, Ukraine, Ba Lan, Tiệp Khắc, Serbia, Bulgaria… Sau khi Stalin mất ít lâu, các nhà lãnh đạo Liên Xô cho phép các nhà quốc tế ngữ Nga hoạt động trở lại. Các vị lãnh đạo Liên Xô yêu cầu các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Việt Nam, Cuba... phải dùng tiếng Nga làm công cụ giao tiếp trong nội bộ, nhưng họ có kế hoạch lâu dài về phổ cập tiếng Nga trong các nền giáo dục. Vì lẽ đó những Viện Puskin được thành lập khắp nơi. Việc phổ cập tiếng Nga được làm một cách hết sức cẩn trọng vì nhiều lẽ, nhưng chủ yếu đối với các nước Đông Âu.

Cuối những năm 50 và đầu những năm 60 thế kỷ trước, các phong trào Espéranto phát triển mạnh ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa và gần như ở đâu cũng được nhà nước ủng hộ về tinh thần và vật chất. Ở Bulgaria có tạp chí Bulgario bằng tiếng Espéranto hình dáng hoành tráng, hấp dẫn. Ở Trung Quốc có tờ El Popola Ĉinio ra hàng tháng và có lần tờ Nhân Dân nhật báo ra 4 trang phụ bằng quốc tế ngữ. Hình như các nước Đông Âu cũng như Trung Quốc mong muốn khối xã hội chủ nghĩa dùng Espéranto một cách chính thức như mong muốn của Lênin. Ở miền Bắc Việt Nam cuối những năm 50 thế kỷ trước và kéo dài nhiều năm sau, ở Nhà xuất bản Ngoại văn có bộ phận phụ trách Espéranto hùng hậu ngang với các bộ phận phụ trách tiếng Anh, tiếng Pháp, vượt xa các bộ phận phụ trách tiếng Nga, tiếng Trung. Bên cạnh tạp chí Vjetnamio antauenmarsas tương đương với Vietnamese studies hay Études vietnamiennes, còn có rất nhiều ấn phẩm dịch tiếng Việt sang Espéranto như Tuyển tập thơ văn Việt Nam - Vjetnama Antologio và gần đây là Truyện Kiều. Nhưng rồi ý tưởng dùng Espéranto cũng sụp đổ theo sự sụp đổ của Liên Xô.

Việc dùng tiếng Anh hiện nay như một kiểu quốc tế ngữ là một sự lựa chọn tự nhiên của lịch sử và ta không có lý do chính đáng để than phiền hay chống đối. Nước Pháp vốn là quốc gia rất kỵ tiếng Anh (vì lý do cạnh tranh ảnh hưởng) nay cũng vui vẻ chấp nhận cho các đại học dùng tiếng Anh trong giảng dạy. Nhưng xét trên phương diện bình đẳng văn hóa, vẫn ngậm ngùi thấy càng ngày càng lu mờ đi nhiều nền văn hóa ngày xưa vĩ đại như văn hóa Nga, văn hóa Pháp, văn hóa Đức, văn hóa Arab - Ba Tư… Muốn khôi phục lại sự bình đẳng ngày trước không gì hay hơn là dành cho Espéranto một vị trí xứng đáng. Ngôn ngữ nhân tạo này sẽ làm trung gian cho việc giao lưu giữa các ngôn ngữ, giữa các nền văn minh lớn nhỏ. 

Espéranto rất dễ học, có thể học rất nhanh. Ngôn ngữ này khác với các ngôn ngữ tự nhiên là không có ngoại lệ trong ngữ pháp và từ vựng, không phải chia động từ rắc rối như tiếng Pháp, không có 6 cách như tiếng Nga và không viết một đàng phát âm một nẻo như tiếng Anh. Chữ viết thì theo mẫu tự Latinh quen thuộc với mọi người. Ngôn ngữ này có một sự đảm bảo nhất quán về vốn hiểu biết chung và về cách phát triển. Các nhà quốc tế ngữ từ trước tới nay đã ra công xây dựng một vốn căn bản đồ sộ làm nền móng vững chắc cho ngôn ngữ nhân tạo Espéranto. Đó là bộ tự điển hoàn chỉnh (Plena Vortaro de Esperanto), Bộ Ngữ pháp và các loại văn bản văn học, khoa học đủ loại từ thời xưa cho đến các văn bản cập nhật hiện nay. Ai cũng có thể đọc bằng Espéranto kinh Thánh, kinh Koran hay kinh Phật, cũng như đọc toàn bộ Shakespeare hay Tolstoi, Hemingway hay Khổng Tử với Luận ngữ, Lão Tử với Đạo đức kinh. Các nhà khoa học có thể đọc Newton, Darwin, Einstein, Marc Plank... Một ngôn ngữ tự nhiên thường là kho lưu trữ lịch sử, cách nhìn sự vật và vô số định kiến. Espéranto là ngôn ngữ nhân tạo không có được thế mạnh đó. Nhưng ngược lại nó hàm chứa cung cách suy nghĩ của các dân tộc khác nhau hiện nay và những hiểu biết độc đáo của từng con người. 

Hy vọng một ngày nào đó Espéranto sẽ đóng góp cho văn minh loài người một công cụ hữu hiệu trong việc hiểu biết lẫn nhau và cùng chung tay xây dựng một xã hội hòa bình, thịnh vượng. Xin có lời kết bằng 2 câu thơ mở đầu trong một bài thơ vinh danh Espéranto do Zamenhof sáng tác được phổ nhạc thành một bài ca gợi cảm khá mạnh, như sau:

En la mondon venas nova sento 

Tra la mondo iras forta voko….

Một xúc cảm mới đang đến với nhân gian

Một tiếng nói mạnh mẽ đang xuyên qua địa cầu

Tin cùng chuyên mục