Đổi mới công tác thu hút cán bộ khoa học công nghệ - Bài 2: Kỳ vọng chính sách mới

Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, các chuyên gia nước ngoài đã đóng góp rất lớn để thực hiện các chương trình phát triển KH-CN của thành phố. 
Các nhà khoa học trao đổi về công nghệ MEMS tại hội thảo do Khu Công nghệ cao tổ chức
Các nhà khoa học trao đổi về công nghệ MEMS tại hội thảo do Khu Công nghệ cao tổ chức

Trong công tác thu hút cán bộ khoa học - công nghệ (KH-CN) của TPHCM, bên cạnh việc thu hút chuyên gia nước ngoài, các nhà khoa học Việt Nam từ nước ngoài về nước đóng góp cho sự phát triển KH-CN của TPHCM, hiện nay, các chuyên gia công nghệ làm việc tập trung ở Khu Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (sau đây gọi tắt là Viện), cũng ngày đêm cho ra những công trình, giải pháp mới, đồng thời có không ít trăn trở.

Thuận lợi nhưng cũng tâm tư

Đại diện Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM cho biết, sắp tới có Giáo sư người Nhật Aikira Suzuki sang nối tiếp công trình đang dở dang tại trung tâm. Trước đây có một tiến sĩ học nước ngoài về đầu quân cho trung tâm, nhưng sau đó đã xin nghỉ việc, cho thấy việc thu hút cán bộ vẫn còn là bài toán khó.

Tuy nhiên, với Viện thì hoàn toàn khác. Viện hiện có 40 cán bộ, nhân viên, nghiên cứu viên cộng tác thường xuyên với 6 giáo sư Việt kiều và người nước ngoài. Viện cũng là nơi thu hút nhiều tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp từ các đơn vị trường, viện trong và ngoài nước thường xuyên đến làm việc. Viện cũng là một trong những thành viên tích cực của mạng lưới PRAGMA - một hiệp hội nghiên cứu đa quốc gia gồm hơn 40 trung tâm, viện nghiên cứu trong khu vực Thái Bình Dương.

Từ hoạt động của Viện cũng như qua kết nối của các giáo sư Việt kiều và người nước ngoài, hoạt động hợp tác quốc tế, hội nghị, hội thảo được tổ chức thường xuyên và tạo nhiều dấu ấn trong cộng đồng khoa học. Viện đã chủ trì tổ chức thành công chuỗi Hội thảo quốc tế Khoa học và Kỹ thuật tính toán ICCSE (năm 2011, 2014, 2016), chuỗi Hội thảo Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh - Smart City 360 độ (năm 2017, 2018), chuỗi Hội nghị quốc tế về Nghiên cứu biển, cửa sông và bãi bồi - ECSS (năm 2017, 2018)… là những cơ sở khoa học nền tảng cho các ứng dụng mà Viện đang hướng đến.

“Viện sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển, đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, mở rộng tầm phát triển nghiên cứu toàn diện với chú tâm đặc biệt cho những khía cạnh có tiềm năng triển khai ứng dụng. Cụ thể là tiếp tục thu hút nguồn nhân lực cao cấp, tăng cường số đề tài nghiên cứu mang tính quốc tế hướng đến các bài báo uy tín, tiếp tục tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế chất lượng, nâng cao hơn nữa danh tiếng cho Viện”, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Viện trưởng Viện KH-CN tính toán, cho biết.

Nhưng nói đến Viện, lại nhớ đến Giáo sư Trương Nguyện Thành. Năm 2005, Giáo sư Thành được mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của KH-CN tính toán, chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam và sau đó tham gia vào đề án thành lập Viện vào năm 2009. Khi tham gia vào Viện, Giáo sư Trương Nguyện Thành đào tạo rất nhiều tiến sĩ cho TPHCM, nhưng cuối cùng ông đã rời Viện với nhiều tâm tư.

Tâm tư của nhà các nhà khoa học là chuyện đáng ghi nhận trong chính sách thu hút cán bộ KH-CN. GS-TS Đặng Lương Mô vẫn tiếc nuối chuyện thành phố bỏ lỡ cơ hội tiếp nhận dây chuyền sản xuất vi mạch do phía Nhật Bản chuyển giao cho TPHCM, hay xây dựng xưởng cực tiểu để sản xuất vi mạch cũng từ Nhật Bản. “Phía chúng ta không tiếp nhận, các công nghệ ấy được chuyển qua Malaysia. Hiện giờ công nghệ vi mạch của họ tiến xa hơn chúng ta rất nhiều”, GS-TS Đặng Lương Mô nói.

Đến việc lưu trú, đi lại…

Tại Khu Công nghệ cao TPHCM, việc thu hút lực lượng các nhà khoa học nước ngoài cũng đạt những kết quả ban đầu. Khu Công nghệ cao thu hút thành công 6 chuyên gia. Đến thời điểm hiện tại, có 4 chuyên gia (GS Sugiyama Susumu, Th.S Kazuhiko Nakamura, TS Hoàng Thế Bân và ông Jason Rim) đã được UBND TPHCM chấp thuận tái ký hợp đồng mới. Các ông đều là chuyên gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực như nano, MEMS...

Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, các chuyên gia nước ngoài đã đóng góp rất lớn để thực hiện các chương trình phát triển KH-CN của thành phố. GS-TS Susumu Sugiyama, TS Maxime Projetti… đang tích cực tập trung vào nghiên cứu cho Chương trình phát triển ngành công nghiệp Mems (vi cơ điện tử) giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định của UBND TPHCM. GS-TS Susumu Sugiyama cùng với các đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP Labs) đã nghiên cứu thành công cảm biến áp suất ứng dụng trong hệ thống quan trắc mực nước tại cống nước thải. Trong dự án này, 50 mô-đun cảm biến áp suất đã được chế tạo; tiến hành lắp đặt 15 trạm quan trắc môi trường do Công ty Thoát nước đô thị TPHCM quản lý. Hay TS Maxime Projetti làm việc tại Phòng thí nghiệm cơ khí chính xác và tự động hóa của SHTP Labs. Từ tháng 5-2017, TS Projetti đã thiết kế các linh kiện vi cơ điện tử (Mems) sử dụng trong hệ thống quan trắc ngập lụt tại TPHCM.

Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc STHP Labs cho rằng, các chuyên gia nước ngoài đã đem không khí nghiên cứu chuyên nghiệp trong hoạt động nghiên cứu tại đơn vị. Đây là cơ hội để các nhà khoa học trong nước có điều kiện trao đổi, nâng cao sự tự tin và sáng tạo công nghệ. “Những chuyên gia nước ngoài còn giúp chúng tôi có các mối quan hệ hợp tác quốc tế với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp về vi cơ điện tử, vi mạch, vật liệu nano…”, ông Thành nói. Ông Thành cũng cho biết, các chuyên gia nước ngoài hiện đang gặp khó khăn trong việc xin visa (hiện tại dài nhất là 1 năm), chưa có chỗ lưu trú và phải ở khách sạn, đi lại phải sử dụng taxi. Thuế thu nhập của các chuyên gia còn cao (20%/tổng thu nhập). Để chuyên gia an tâm làm việc, ông Thành kiến nghị, cơ quan liên quan cần rút ngắn thời gian thẩm định chuyên gia. UBND TPHCM cần sớm có những hỗ trợ về nơi lưu trú, phương tiện di chuyển để các chuyên gia yên tâm cống hiến lâu dài cho thành phố.

Theo một lãnh đạo lâu năm quản lý ở Khu Công nghệ cao TPHCM, thực tế chính sách thu hút cán bộ, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài trong thời gian qua đang ít “phát triển”. Ông lý giải: “Có chuyện chúng ta đang trả lương cho chuyên gia theo cách tính gấp 10 lần lương căn bản, tính ra chỉ tầm 15 - 16 triệu đồng, rất khó thu hút chuyên gia”. Thời gian trước đây, Khu Công nghệ cao đã trả cho chuyên gia từ 40 - 50 triệu đồng/tháng, song cũng chỉ đủ cho các chuyên gia nước ngoài sinh hoạt. Ở đây, chính sách thu hút cần chú trọng đến đời sống thực sự, nhất là những người mang cả gia đình về Việt Nam và cũng cần lưu ý họ làm việc, đóng góp với việc làm cụ thể bằng tất cả kiến thức và tâm huyến vốn có, nên chính sách cần rộng mở nhiều hơn, chứ bấy nhiêu thì khó mà giữ chân người tài. Với chuyên gia, cũng cần phân biệt những người không chỉ có học hàm học vị quốc tế công nhận mà còn có những công trình tiêu biểu. Chọn chuyên gia cũng cần nhìn vào thực tế hoạt động.

Mới đây nhất, Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 4-7-2019 của UNBD TPHCM ban hành quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2022, có những điều mới đáng ghi nhận, đặc biệt là chính sách hỗ trợ, như: hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng; nhà ở (tối đa 50% và không quá 7 triệu đồng/tháng); phương tiện đi lại. Về chính sách tiền lương: Chuyên gia, nhà khoa học: GS-PGS hệ số 9,40; còn lại hệ số 8,80; khi ký hợp đồng lần 2 sẽ tăng lên 1 bậc và cố định cho tất cả các lần tái ký; người có tài năng đặc biệt thì 30 - 50 triệu đồng/tháng (do hội đồng thu hút đề xuất). 

Song song đó là chính sách khuyến khích nghiên cứu, như căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ, mức độ đóng góp và giá trị, tầm cỡ của thành tích, giải thưởng đạt được trong thời gian công tác theo hợp đồng thu hút đã ký kết, người có tài năng đặc biệt được hưởng mức khuyến khích tương xứng với công trạng cá nhân với mức tối đa 1 tỷ đồng/người. Chính sách mới được phê duyệt vào tháng 7-2019 nên kỳ vọng sắp đến sẽ tạo động lực lớn trong thu hút chuyên gia, tạo dựng cán bộ KH-CN cho TPHCM.

Tin cùng chuyên mục