Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã cho ra đời phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) 2017. Theo đó, năm 2017 tiếp tục tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh hệ chính quy. Đã có một số điều chỉnh và Bộ GD-ĐT hy vọng rằng sẽ giảm lượng thí sinh ảo như năm ngoái, ra các đề thi dạng tổ hợp để tránh thí sinh học tủ, học vẹt và lao vào luyện thi như mọi năm…
Như vậy, kể từ khi thoát ly khỏi kỳ thi 3 chung (chung đề thi, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi) đến nay, trước sức ép của dư luận, Bộ GD-ĐT đã liên tục thay đổi phương án thi và tuyển sinh (hầu như mỗi năm lại có một phương án thi khác ra đời), với mong muốn giảm áp lực tinh thần và chi phí cho thí sinh và xã hội. Sau mỗi lần thay đổi, một số mặt tích cực được xã hội thừa nhận, thí sinh phấn khởi, song lại xuất hiện những nhược điểm khác. Và thí sinh, phụ huynh lại phải chờ thêm một năm nữa để xem Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới cái gì. Thấp thỏm, hồi hộp là tâm trạng chung của hàng triệu thí sinh và gia đình vào mỗi mùa tuyển sinh.
Nhìn lại những nỗ lực đổi mới của Bộ GD-ĐT những năm qua dường như chỉ tập trung ở phần ngọn. Kiểm tra thi cử là khâu cuối cùng, kết thúc một giai đoạn để chuyển sang một giai đoạn khác. Học sinh phổ thông trung học trải qua kỳ thi để được công nhận tốt nghiệp và chuẩn bị cho một bậc học cao hơn hoặc chuyển sang hình thái mới (đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, học nghề hoặc gia nhập ngay thị trường lao động…). Ở một số kỳ thi THPT vài năm trước, Bộ GD-ĐT đã thay đổi cách ra đề thi như đề dạng mở, kích thích sự sáng tạo của học sinh; đề thi gắn liền với những sự kiện thời sự nóng bỏng vừa diễn ra, được xã hội hoan nghênh. Song, đó chỉ là một tia sáng nhỏ trong cả một chùm rối rắm mà kỳ thi mang lại. Kết quả của một số thí sinh dù có khả quan chăng nữa cũng chỉ là sự xuất thần của bản thân thí sinh chứ không phải là hệ quả của cả quá trình đổi mới giáo dục.
Theo các chuyên gia và những người tâm huyết với giáo dục nước nhà, việc đổi mới giáo dục phải từ gốc của quá trình dạy học và cả hệ thống giáo dục quốc dân, bắt đầu từ đổi mới mục tiêu chương trình và nội dung dạy và học. Vì vậy, cần thay đổi sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, cho đến nay, ngành giáo dục vẫn còn loay hoay để tìm một hội đồng biên soạn sách giáo khoa ưu tú. Thực tế đòi hỏi, ngoài sách giáo khoa, cần phải có một đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu mới - yếu tố quyết định của quá trình đổi mới giáo dục. Sau cùng mới là đổi mới cách thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Xem xét theo quy trình đó, giáo dục nước ta đang đổi mới từ… ngọn. Bởi vậy, mấy năm gần đây, Bộ GD-ĐT phải luôn luôn thay đổi phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ, làm nản lòng học sinh, phụ huynh và xã hội.
Trong phương án thi và xét tuyển 2017, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tôn trọng quyền tự chủ của các trường ĐH-CĐ trong khuôn khổ của quy chế tuyển sinh. Đây cũng là một “bước lùi” quan trọng tiến tới giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục. Thoạt nhìn tưởng đây là một sự cải tiến bởi vì nó có khác một chút so với năm trước. Song có một giả thiết đưa ra và dường như sẽ thực hiện trong những năm tới là: Bộ GD-ĐT sẽ giao cho các sở GD-ĐT tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH-CĐ, các trường sẽ tự tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển theo tiêu chí của mình… Nếu vậy, sau rất nhiều lần đổi mới, giáo dục nước ta - ít nhất là trong việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, lại trở về như vài chục năm trước đây. Có phải đây là một vòng luẩn quẩn, bế tắc?
PHAN LỘC