Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) vừa phối hợp cùng Tập đoàn IBM tổ chức Hội nghị “Đổi mới và sáng tạo tại Việt Nam” năm 2008 (Vietnam Innovation Summit 2008) tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Thắng cho rằng những nỗ lực mà Bộ KH-CN và IBM đã thực hiện thể hiện cam kết của hai bên trong việc hỗ trợ đổi mới, sáng tạo vì lợi ích của Việt Nam và sự hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu. Khởi động từ tháng 2-2007, Chương trình hợp tác giữa Bộ KH-CN và IBM đã triển khai được các hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng kỹ năng, phát triển bộ môn Khoa học Dịch vụ, Quản lý và Kỹ thuật, hình thành Tổ công tác về đổi mới và sáng tạo...
T.L
Đã thanh tra được 1.512 cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas
Bộ KH-CN vừa cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đo lường và chất lượng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, gas, đợt cao điểm thanh kiểm tra trong tháng 7 và 8 vừa qua đã thanh tra được 1.512 cơ sở, trong đó có 1.312 cơ sở kinh doanh xăng dầu và 200 cơ sở kinh doanh gas tại các tỉnh/thành phố. Qua thanh tra bộ đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính về đo lường và chất lượng đối với 255 cơ sở vi phạm (chiếm 17% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt hơn 860 triệu đồng.
Một số tỉnh đã xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm như Gia Lai xử phạt 71 cơ sở vi phạm; An Giang xử phạt 36 cơ sở; Hưng Yên xử phạt 24 cơ sở… Kết quả thanh tra cho thấy, các hành vi vi phạm về đo lường phổ biến là sử dụng phương tiện đo chưa được kiểm định, quá thời hạn kiểm định hoặc có chứng chỉ kiểm định rách nát, mờ… chiếm 13,7% (28 cơ sở); sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu chiếm 16,1% (33 cơ sở); vượt sai số phép đo trong bán lẻ chiếm 29,3% (60 cơ sở); vi phạm về ghi nhãn hàng hóa đối với kinh doanh gas, dầu diesel chiếm 14,1% (29 cơ sở). Qua đợt thanh tra cũng đã phát hiện 46 cơ sở kinh doanh xăng dầu (22,4%) có vi phạm về chất lượng và bị xử lý. Hành vi vi phạm chủ yếu là trộn loại xăng có trị số octane thấp với xăng có trị số octane cao hơn (M92), nhưng vẫn niêm yết và bán với giá của M92.
L.Y
Góp ý xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam
Tin từ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) vừa cho biết, cục này đã tổ chức họp hội đồng khoa học mở rộng lấy ý kiến góp ý cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, tập trung vào các vấn đề: kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phát triển nhân lực điện hạt nhân, trong đó, chú trọng các nhiệm vụ cụ thể gồm phê duyệt địa điểm; cấp phép xây dựng/dự án đầu tư; giám sát xây dựng; cấp phép vận hành.
Về việc tuyển chọn nhân lực pháp quy hạt nhân, dự kiến nhân lực được tuyển chọn sẽ được đào tạo 2 năm trước khi có nhu cầu công việc, gồm: đào tạo kiến thức cơ bản (công ước quốc tế, quy phạm pháp luật, lò phản ứng, nhà máy điện hạt nhân, bảo vệ phóng xạ, bảo vệ thực thể) tại Cục ATBXHN và đào tạo chuyên môn sâu (quản lý dự án, hỗ trợ pháp lý; vật lý lò phản ứng; công nghệ; vận hành và bảo trì lò phản ứng; lựa chọn địa điểm) tại các nước có hệ thống pháp quy hạt nhân tiên tiến ít nhất 6 tháng.
V.N