“Đòn bẩy” trọng điểm

Vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm, nạn kẹt xe, “lô cốt” tràn lan, quy hoạch “treo”, lãng phí công sản… tiếp tục là những bức xúc của đại đa số cử tri TPHCM và là chủ đề tranh luận “nóng” tại kỳ họp lần thứ 16 HĐND TPHCM khóa VII. Điều này thật sự hợp tình hợp lý và “đồng điệu” với thực tế hiện nay. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã và đang còn suy thoái, nước ta nói chung cũng như TPHCM nói riêng gặp rất nhiều khó khăn thì 2 vấn đề gây trăn trở nhất là làm sao TPHCM duy trì được những mục tiêu tăng trưởng đã đề ra và đảm bảo an sinh xã hội trong nửa thời gian còn lại của năm nay. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu giảm 18% so với cùng kỳ, thu ngân sách giảm 26%, vốn đăng ký đầu tư trong nước giảm 49%, tổng sản phẩm nội địa (GDP) chỉ tăng 4,6%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Thực trạng này đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa đối với lãnh đạo TP.

Giải pháp đột phá nào để TPHCM phục hồi “phong độ” trong những tháng cuối năm? Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, để chống suy giảm kinh tế, ngoài các giải pháp về tài chính thì những “liệu pháp” tâm lý sẽ mang lại tác dụng rất đáng kể. PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta nên làm những việc có thể đem lại niềm tin và nụ cười cho người dân. Cụ thể, nên tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan công quyền; đặc biệt, đẩy nhanh việc hoàn thành những công trình dân sinh còn đang dở dang… Thực tế đã chứng minh nền kinh tế đã “hưởng lợi” lớn khi các công trình hạ tầng trọng điểm hoàn tất hoặc có tiến triển tích cực. Khi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm được điều chỉnh chính sách bồi thường và tiến độ giải ngân được đẩy lên ở tốc độ cao thì thị trường bất động sản ở các khu vực lân cận cũng sôi động hẳn lên, nhà đầu tư hăm hở đến vùng đất này nhiều hơn. Tương tự, sau khi cầu Chữ Y và cầu Nguyễn Văn Cừ thông xe, giao dịch nhà đất ở đầu cầu phía Nam cũng xôm tụ bất chấp giá tăng vọt…

Rõ ràng là trong tình hình hiện nay chúng ta không thể dàn hàng ngang để làm hài lòng tất cả mà phải chọn ra được những mũi đột kích để tạo ra một “đầu máy” mới kéo được cả “đoàn tàu” chạy nhanh hơn. Kích cầu và kích hoạt kinh tế hiệu quả nhất trong lúc này không gì bằng tập trung hoàn thành sớm những công trình dân sinh, công trình hạ tầng trọng điểm. Việc hối hả thi công những dự án này sẽ là “đòn bẩy” kích thích các ngành khác tăng tốc trở lại. Hiệu ứng tích cực dây chuyền sẽ lan tỏa sang ngành xây dựng, địa ốc, vật liệu xây dựng, thực phẩm..., và tạo ra nhiều công ăn việc làm. Hơn thế nữa, “ma trận lô cốt” được giải tỏa, giao thông thông suốt sẽ là điều kiện thuận lợi để các ngành kinh doanh dịch vụ phát triển. Sự thoải mái sẽ giúp người dân có được tâm trạng vui vẻ, phấn chấn và tất nhiên sẽ hứng thú làm ăn hơn. Rõ ràng, dồn lực vào các công trình trọng điểm sẽ tạo ra “đòn bẩy” trọng điểm vực dậy cả nền kinh tế. Một mũi tên trúng nhiều đích.

Thái Hoàng Liêm

Tin cùng chuyên mục