Hiện có khoảng 72% số DN nhỏ và vừa tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường - bước nhảy vọt so với tỷ lệ 32% của năm 2019. Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, nhận định rằng, việc thực hiện chuyển đổi số của các DN nhỏ và vừa đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Tất nhiên, đây không phải việc dễ dàng. Phản hồi từ các DN cho thấy, việc thiếu tầm nhìn và tư duy về chuyển đổi số cùng những thách thức trong văn hóa DN là trở ngại lớn nhất mà họ phải đối mặt (16%), tiếp theo là thiếu các công nghệ thiết yếu (12%) và thiếu hiểu biết về khách hàng và dữ liệu hoạt động (12%)…
Với DN, các giải pháp của nước ngoài thường đắt đỏ nên họ phải sử dụng giải pháp của các nhà cung cấp khác nhau, vì thế việc triển khai không đồng bộ, thiếu tính liên kết giữa các bộ phận. Trong khi đó, với các DN có quy mô nhỏ và vừa, chuyển đổi số chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nghiệp vụ đơn giản, nhưng do nhân sự ít và yếu, ngân sách lại hạn chế nên khó triển khai các giải pháp tổng thể phức tạp. Kết quả khảo sát của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội mới đây cho thấy, có tới 90% DN quan tâm đến chuyển đổi số, tuy nhiên chỉ có 40% DN sẵn sàng đầu tư thích đáng cho hoạt động này.
Đương nhiên, việc áp dụng chuyển đổi số không thể ồ ạt hay theo kiểu “đồng loạt”. Tùy từng loại hình, quy mô mà DN có thể lựa chọn cho mình sản phẩm và bước đi khác nhau. Chẳng hạn DN nhỏ, siêu nhỏ có thể bắt đầu với lĩnh vực kế toán, hóa đơn, liên thông với ngân hàng. DN vừa thì ngoài những lĩnh vực kể trên có thể áp dụng thống nhất quản trị DN.
Cần nói thêm rằng, những nỗ lực của DN trong chuyển đổi số chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt nhất khi bộ máy quản lý nhà nước có sự chuyển đổi đồng bộ. Một điển hình rất đáng tham khảo là Thái Lan. Chính phủ nước này đã nhanh chóng bắt tay vào chuyển đổi số từ năm 2017 với một kế hoạch 5 năm đầy tham vọng: chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống công quyền, từ quản lý công cộng cho đến hỗ trợ du lịch, cảnh báo thảm họa thiên nhiên và nâng cao hiệu quả của nông nghiệp. Chiến lược dài hạn trên được đánh dấu với lễ khánh thành Học viện Chuyển đổi số Thái Lan chuyên đào tạo kiến thức công nghệ cho các công chức nhà nước. Sau đó, Thái Lan tiếp tục phát động chiến dịch “Farmer One” (tạm dịch là chương trình thứ nhất dành cho nông dân), một cổng thông tin được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ quốc gia hỗ trợ các quy trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó là Smart Service (dịch vụ thông minh), công bố rộng rãi các loại thông tin đến công chúng một cách khoa học, dễ tiếp cận, dễ sử dụng, tránh việc phải in ấn hàng đống tài liệu một cách tốn kém và gây tổn hại môi trường.
Với Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam cũng đã đặt ra những nhiệm vụ rất cụ thể cho các cơ quan hành chính: đến năm 2030 cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối internet của vạn vật (IoT); mở dữ liệu cho các tổ chức, DN, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, DN.
Nếu yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ được thực hiện nghiêm túc và kịp thời, chắc hẳn những mục tiêu như kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%... là rất khả thi, sẽ đưa Việt Nam bước vào nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), chỉ số cạnh tranh (GCI) và đổi mới sáng tạo (GII)…