Đồng cảm với người nghèo

Theo thông tin trên trang 1 Báo SGGP số ra ngày 22-5-2008, UBND TPHCM đã có chủ trương từ nay đến hết tháng 6-2008, sẽ trợ cấp cho mỗi hộ nghèo (có thu nhập dưới 4,5 triệu đồng/người/năm) 200.000 đồng/tháng; hỗ trợ cho học sinh nghèo được miễn hoặc giảm trên 50% các khoản đóng góp khác (tiền học thêm, phụ đạo, học 2 buổi/ngày…) ngoài học phí và tiền cơ sở vật chất đã được miễn giảm…

TPHCM là địa phương đi đầu trong cả nước về phong trào xóa đói giảm nghèo. Mặc dù đã rất nỗ lực, đến nay TP vẫn còn 17.000 hộ nghèo, đó là những hộ có thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm, nghĩa là mỗi người trong hộ có thu nhập bình quân từ 500 ngàn đồng/tháng trở xuống. 500 ngàn đồng/người/tháng trong điều kiện bình thường, đã khó. Nay, trong hoàn cảnh giá cả tăng cao, thì khó khăn đối với họ càng gấp bội. Để ứng phó với tình trạng lạm phát, chính quyền TP đã có nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm chi tiêu công, đình chỉ việc triển khai một số dự án có nguồn kinh phí lớn…

Thế nhưng, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn trong đời sống sinh hoạt của đồng bào nghèo, chính quyền TP chỉ đạo chính quyền 24 quận huyện phối hợp với MTTQ, các đoàn thể, đơn vị từ thiện, nhà hảo tâm và quỹ “tấm lòng vàng”… để tạo nguồn kinh phí trợ cấp cho mỗi hộ 200.000 đồng/tháng.

Số tiền 200.000 đồng/tháng hoàn toàn không lớn, và không thể giải quyết căn bản những khó khăn của người nghèo, nhưng lúc này – đối với không ít người nghèo đang canh cánh nỗi lo đứt bữa – thì quả thực vô cùng quý giá. Tương tự, nhiều trẻ em, nếu không có chủ trương trợ cấp kịp thời này, có thể phải bỏ học vì không có tiền đóng các khoản tiền trường. Nhân dân ta có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Câu nói đó, lúc này đây, càng trở nên vô cùng ý nghĩa.

Một ý nghĩa khác - trong việc tạo nguồn kinh phí hỗ trợ người nghèo, chính quyền TP đã rất chú ý tới yếu tố “xã hội hóa” - vận động các tổ chức, các đơn vị từ thiện, các nhà hảo tâm đóng góp, kết hợp với Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ từ thiện xã hội… Vượt lên trên ý nghĩa vật chất, điều đó sẽ tạo thành “truyền thống” - huy động cả cộng đồng cùng chung tay, có trách nhiệm với Đảng, chính quyền trong việc chăm lo cho người nghèo hôm nay cũng như những khó khăn hoạn nạn của đồng bào trong tương lai.

Cùng với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, mỗi người hãy mở rộng tấm lòng vì người nghèo. “Lá lành đùm lá rách” - mọi tấm lòng vì người nghèo dù ít dù nhiều đều có thể đóng góp làm thay đổi biết bao số phận con người. Đó không đơn thuần là sự sẻ chia của những người khá hơn với người khó hơn mà cao hơn cả, đó là trách nhiệm, là tình ruột thịt, nghĩa đồng bào của những người cùng chung một mái nhà, cùng chung nguồn cội đang ra sức xây dựng thành phố và đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Hồng Quân

Tin cùng chuyên mục