Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra.
Tuy vậy, cùng với nhận định này, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành; khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao; số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng…
Thực tế, từ đầu năm đến 20-7-2012, cả nước có gần 40.000 DN thành lập mới nhưng lại có trên 30.000 DN phải giải thể, ngừng hoạt động. hàng loạt hộ kinh doanh nhỏ cũng đang gặp giai đoạn kinh doanh khó khăn chưa từng có. Hình ảnh những gian hàng ở các trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh lớn và nhỏ vắng bóng người mua đang xuất hiện khắp nơi. Trong bối cảnh hiện nay, người dân thắt lưng buộc bụng, mua sắm giảm tối đa khiến sức mua của thị trường trong nước giảm sút.
Với những người có thu nhập trung bình trở xuống, gần như họ chỉ còn chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu. Đó là lý do khiến chỉ số CPI trong 2 tháng 6, 7 liên tiếp âm và theo ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, dự kiến CPI tháng 8 sẽ tiếp tục âm… Tất cả những điều này đang đặt nền kinh tế trước một thách thức lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các cấp ngành, các DN và từng người dân phải nỗ lực rất lớn trong những tháng cuối năm để vượt qua cơn khó khăn này.
Tại thời điểm hiện tại, 2 điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế chính là hàng tồn kho và nợ xấu, trong đó nợ xấu đang là “vật cản” khiến hàng vạn DN không thể xoay trở để tự cứu mình. Thực tế, không ít DN vì không thể tiếp cận vốn ngân hàng đã phải vay vốn lãi ngày để duy trì sản xuất ở một số thời điểm cấp bách. Thật khó chấp nhận khi có DN “than” lợi nhuận 1 năm đạt 5 tỷ đồng, nhưng tiền trả lãi ngân hàng lên tới 10 tỷ đồng. DN muốn phát triển không thể không vay vốn, khi nguồn vốn bế tắc thì tất cả các khâu khác cũng tắc theo; khi DN tắc thì chắc chắn nền kinh tế cũng không thể “thông” được. Hơn bao giờ hết, DN đang cần “tiếp sức” một cách có hiệu quả để vượt qua khó khăn hiện nay. Xây dựng mặt bằng lãi suất phù hợp với tình hình thực tế, đưa tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, DN xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động…
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc ngân hàng phải cùng với DN thực sự bắt tay, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn về vốn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, ngân hàng thương mại phải chung tay chia sẻ gánh nặng với DN sản xuất, bởi nếu không tháo gỡ được khó cho DN thì vấn đề của DN cũng sẽ là vấn đề của ngân hàng trong thời gian tới.
Việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa qua đã “ngồi lại” với các DN ở cả 2 miền Nam - Bắc nhằm tìm ra hướng giải quyết khó khăn được coi là động thái tích cực trong công tác điều hành hiện nay. Lãi suất các khoản vay cũ được ngân hàng đưa về tối đa 15%/năm cũng có tác dụng khích lệ DN. Đó là những động thái tốt và là cách làm thể hiện sự đồng lòng trong bối cảnh hiện nay. Chỉ có bằng giải pháp như vậy, chỉ có cách DN và ngân hàng cùng ngồi lại với nhau và trên quan điểm cùng trên một con thuyền, đồng lòng vượt khó thì mới tháo gỡ được khó khăn nợ xấu hiện nay - vốn được các chuyên gia kinh tế coi là “cục máu đông” của nền kinh tế. Thế nhưng, điều mà các DN thực sự trông đợi là ngân hàng phải thực sự thiện chí, sẵn sàng chấp nhận bớt lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với DN. Nếu các ngân hàng vẫn cứ “đủng đỉnh” trong việc giảm lãi suất cũ, hạ lãi suất mới đối với DN... thì tình trạng DN “chết lâm sàng” sẽ vẫn gia tăng trong thời gian cuối năm.
Nếu chúng ta kiềm chế được lạm phát, lãi suất sẽ xuống, khó khăn của DN sẽ được tháo gỡ, những khoản vay cũ được giải quyết. Ngoài ra, khi đầu tư công được đẩy mạnh hơn trong những tháng cuối năm như quyết tâm của Chính phủ, nợ DN sẽ được giải quyết một phần; DN cũng sẽ có điều kiện được vay mới với lãi suất tốt hơn. Đây chính là việc mà Chính phủ phải điều hành hiệu quả liên tục, quyết liệt trong các tháng cuối năm cũng như nhiều năm tới đây. Việc điều hành lạm phát năm nay ở mức 7% và ở mức thấp hơn nữa trong năm 2013 là điều kiện hết sức cần thiết để kinh tế vĩ mô có thể ổn định lâu dài.
Đây cũng là điều nhân dân và DN trông đợi, kỳ vọng Chính phủ khi đồng lòng vượt bão: không thể điều hành kinh tế một cách giật cục để lạm phát lên rất cao, siết lại rồi kích cầu và lạm phát trở lại. Bởi chỉ khi DN được phục hồi sức khỏe, sống tốt thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng.
THÀNH VINH