Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc WB Việt Nam, Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng để có thể đạt được tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. ĐMST trở thành chìa khóa để vượt qua các thách thức hiện có đối với Việt Nam.
Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển STI của mình, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Sự lan tỏa về công nghệ nói chung sẽ mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Đây là điểm mà Chính phủ Việt Nam có thể ban hành các chính sách, sự hỗ trợ hiệu quả nhất, cho doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng. Chính phủ Việt Nam cũng cần ưu tiên hàng đầu, quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nhất. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động, cả chất lượng và số lượng, cũng rất quan trọng để khai thác toàn bộ sức mạnh của ĐMST.
Việc áp dụng ĐMST sâu rộng hơn nữa có thể giúp các quốc gia vượt lên các thách thức mới để tiếp tục phát triển, kể cả các yếu tố xung đột địa chính trị toàn cầu, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự sụt giảm đáng kể về tăng trưởng năng suất. Điều đó đòi hỏi một chương trình cải cách toàn diện. Cùng việc định hướng lại các chính sách STI cho phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp, Việt Nam cần tăng cường các yếu tố bổ trợ quan trọng cho ĐMST như kỹ năng của người lao động và khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án ĐMST.
Cùng thời điểm công bố báo cáo trên, Bộ KH-CN và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng công bố báo cáo “Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế”. Báo cáo này do CISRO - cơ quan khoa học quốc gia Australia và các đơn vị thuộc Bộ KH-CN Việt Nam thực hiện. Báo cáo cung cấp các công cụ để đánh giá hiện trạng cũng như tác động của tiến bộ công nghệ và ĐMST đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của báo cáo cho thấy, yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019. Đây được xem là nguồn tham khảo chính sách quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cho thấy tính hiệu quả và nhân tố STI đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế so với vốn và lao động giá rẻ.
Trong những năm qua, hàm lượng của STI trong nền kinh tế Việt Nam đều tăng, góp phần quan trọng đối với sự tăng trưởng của các ngành nghề như: nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, công nghiệp điện tử, kỹ thuật số, viễn thông, năng lượng tái tạo… Trong 2 năm qua, do đại dịch Covid-19, các hoạt động STI bị ảnh hưởng lớn và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đầu tư cho STI vẫn được duy trì trong suốt 2 năm vừa qua và đó là một hướng đi bền vững cho thế giới cũng như Việt Nam để chống chọi lại với đại dịch Covid-19, cũng như chống đứt gãy trong chuỗi sản xuất kinh doanh.
STI đang đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và con đường để Việt Nam tiến về phía trước là không ngừng hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ sinh thái ĐMST. Nói cách khác, STI chính là động lực tăng trưởng mới của Việt Nam và chỉ có tăng cường STI thì Việt Nam mới có thể phát triển bền vững đất nước với các mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.