Theo nhận định của các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực bất động sản (BĐS) thì năm 2012 là năm phục hồi thị trường BĐS. Đây là thời điểm BĐS gắn với nhu cầu thiết yếu của người dân và là nhu cầu cơ bản cần được đáp ứng. Đối với Chính phủ thì đó là nhu cầu về an sinh xã hội cần được đảm bảo và một khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển thì nhu cầu của người dân về nhà ở, về không gian sống, về môi trường sống ngày càng cần được nâng cao và cần được đáp ứng ở mức độ tốt hơn. Tình hình thị trường hiện nay chỉ là thách thức trong ngắn hạn, và niềm tin của người mua sẽ trở lại trong thời gian tới.
Sôi động phân khúc đất nền
Năm 2011, một năm đầy biến động với nhiều khó khăn, bước sang năm mới 2012, hiện kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó áp lực từ lạm phát đang ảnh hưởng tới nhà đầu tư và người tiêu dùng. Lãi suất cho vay cao cũng là một tác nhân ảnh hưởng tới các dự án BĐS và sức mua của người dân. Tuy nhiên, xác định đầu tư lâu dài về thị trường bất động sản thì các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia vẫn rất lạc quan.
Thực tế, trong quý 4 năm 2011 có nhiều dự án tuyên bố giảm giá tới 30%, theo đánh giá thì giá BĐS hiện nay đang khá thấp, một nghịch lý đang diễn ra, giá cả thấp nhưng không vì thế mà thị trường BĐS bị đóng băng. Ngược lại thực tế giao dịch BĐS vẫn diễn ra khá sôi động ở phân khúc trung bình và đất nền. Và hẳn nhiên, đây cũng là một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, vừa được mua với giá rẻ vừa được lựa chọn nhiều sản phẩm. Trong đó, thị trường BĐS ở khu vực tam giác kinh tế bao gồm TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai vẫn là khu vực đầy tiềm năng cho nhà đầu tư.
Và Đồng Nai cũng được các chuyên gia đánh giá sẽ là điểm sáng của thị trường bất động sản trong năm 2012 này nhờ những yếu tố về nguồn cầu, về vị trí chiến lược và định hướng phát triển, Đồng Nai đã và đang trở thành điểm đến để các nhà đầu tư bất động sản tập trung nguồn lực đầu tư dài hạn.
Theo các chuyên gia, trong năm 2012, thị trường BĐS phía Nam sẽ chia theo thế “chân vạc” với thị phần khách hàng sẽ thuộc 3 trung tâm lớn của TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Còn các địa phương khác như: Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Thuận… sẽ có những chuyển động trong việc phát triển dự án mới nhưng thật sự không đáng kể.
Dự án “ăn theo” hạ tầng
Dù dự án sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành - Đồng Nai) với tổng mức đầu tư xây dựng ước tính 10 tỷ USD, đã lôi kéo nhiều dự án “ăn theo” và được giới kinh doanh địa ốc chào bán khá rầm rộ.
Nếu tính trong bán kính 25km từ sân bay quốc tế Long Thành đã có đến trên 60 dự án BĐS. Riêng địa bàn 2 xã Tam Phước và Long Hưng đã có đến 4 khu đô thị. Đó là khu đô thị Phước Hưng có tổng diện tích 286ha, Aquacity rộng 304ha, Waterfront 366 ha và Aquamarine Town 20ha.
Ngoài ra, còn có các dự án như khu đô thị mới Hoa Sen Đại Phước 200ha ở phía Nam cù lao Ông Cồn, khu dân cư Long Thọ - Phước An, khu đô thị mới Mỹ Lợi - Phước An 48ha với 1.200 nền nhà phố liên kế, khu đô thị Suối Son có quy mô hơn 117ha...
Một trong các nguyên nhân thu hút nhà đầu tư là do dự án sân bay này nằm trên mặt tiền đường 769 (lộ giới 30m), là tuyến độc đạo nối Quốc lộ 51 đến sân bay quốc tế Long Thành và tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (được ví như đường Trường Sơn – Tân Sơn Nhất tại TP.HCM) đang được đầu tư xây dựng. Chưa hết, trong những ngày đầu năm, việc có thông tin tháng 10-2012 sẽ thông xe sơ bộ tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cuối năm 2013 đưa vào vận hành chính thức đang làm giới đầu tư hứng khởi.
Theo nhận định của Ông Lương Trí Thìn – Chủ Tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, “Thị trường BĐS Đồng Nai sẽ phát triển mạnh vì có nhiều tiềm năng và triển vọng, trong những năm tới thị trường BĐS Đồng Nai trung và dài hạn sẽ phát triển mạnh, do có nhiều yếu tố khiến thị trường BĐS tại đây hấp dẫn các nhà đầu tư; trong đó, việc Đồng Nai sẽ là “sân sau” của TP. HCM khi xu thế giãn dân ở TP. HCM diễn ra mạnh mẽ; tốc độ phát triển kinh tế, chính sách thu hút đầu tư của UBND tỉnh Đồng Nai cùng sự phát triển về hạ tầng giao thông, các công trình, dự án trọng điểm là những lý do chính.
Hơn nữa, chính sách phát triển vùng, vị trí địa lý hướng mở, khí hậu trong lành và có thể phát triển được nhiều loại hình nhà ở, đồng thời việc có nhiều KCN, khu dân cư mới với mặt bằng giá cả chỉ bằng 1/3 -1/4 so với các khu vực lân cận TP.HCM cũng là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của thị trường BĐS Đồng Nai.
Đồng Nai hiện sở hữu được những lợi thế mà ít tỉnh có được, đó là vị thế đất cao, nền đất chắc chắn, khi xây dựng có thể giảm được từ 30 – 40% chi phí xây móng. Tiếp giáp 6 tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận, BR-VT giúp Đồng Nai có một vị trí chiến lược, là đầu mối giao thông trọng điểm với các trục quốc lộ 1A, 1K, quốc lộ 51, quốc lộ 20.
Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm ở Đồng Nai đã được khởi công và đưa vào hoạt động: Cầu Đồng Nai 2 đã thông xe vào năm 2010; khởi động dự án mở rộng Quốc lộ 51 thành 6 làn xe; khởi động đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; cảng Phước An; sân bay quốc tế Long Thành, đã giúp Đồng Nai kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thông qua hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống cảng biển, hệ thống đường sắt và trong tương lai là đường hàng không.
Đặc biệt trục phát triển kinh tế Đông –Tây của TP Biên Hòa kéo dài đến Trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai tại Long Thành sẽ càng tạo lực cho sự phát triển nơi đây.
Thu hút nhà đầu tư
Mới đây, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Đồng Nai được xác định là địa bàn quan trọng, sẽ là vùng đô thị, công nghệ kỹ thuật cao, là trung tâm dịch vụ, đào tạo - y tế, là vùng cảnh quan sinh thái rừng quốc gia, là cực đối trọng phía Đông TP.HCM.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 34 khu công nghiệp trong đó có đến 29 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích trên 8.000ha. Ngoài ra còn có trên 45 cụm công nghiệp tập trung với diện tích khoảng 4.000ha. Dự kiến nguồn lao động hoạt động trong các khu công nghiệp tính đến 2012 sẽ khoảng 500 ngàn lao động.
Chính điều này sẽ tạo ra một nguồn cầu về nhà ở tương đối lớn trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng tiến hành quy hoạch về cơ sở hạ tầng tạo điều kiện kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung để khuyến khích đầu tư phát triển thị trường bất động sản.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 257 dự án khu dân cư, khu đô thị đang được quy hoạch đồng bộ, quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm ha tập trung phần lớn tại khu vực Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Các đô thị kiểu mẫu này sẽ dần thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương đồng thời tạo nên diện mạo mới của thị trường BĐS.
Với các đặc điểm thuận lợi nêu trên về thị trường bất động sản tại khu vực Đông Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng bao gồm: Vị trí, khoảng cách thuận lợi, hệ thống công trình giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng, quy hoạch hạ tầng tại các tỉnh thành được đầu tư mạnh, nhiều dịch vụ tiện ích xã hội đã và đang được khẩn trương xây dựng theo một lộ trình đã lên kế hoạch chi tiết, hoàn hảo, cộng với giá cả hấp dẫn, tin rằng thị trường bất động sản tại đây sẽ ngày càng sôi động, là “điểm ngắm” hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư và dân cư có nhu cầu về bất động sản.
Bài và ảnh: Huy Vũ