Dự án Luật Tố tụng hành chính: Tôn trọng lựa chọn của người dân

Băn khoăn về các dự án quan trọng quốc gia
Dự án Luật Tố tụng hành chính: Tôn trọng lựa chọn của người dân

Kiện đúng: Miễn đóng phí?

Chiều 4-6, tại phiên họp tổ về dự án Luật Tố tụng hành chính đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận. ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) cho biết, đây là dự án luật mà cá nhân ông quan tâm nhất, vì sẽ giúp “gỡ” được nhiều vụ việc bức xúc trong đời sống xã hội. ĐB đồng tình cao với việc trao cho người dân quyền lựa chọn: hoặc khiếu nại quyết định của cơ quan hành chính lên cơ quan hành chính cấp cao hơn, hoặc đưa vụ việc ra Tòa hành chính, nhưng cho rằng quy định như dự thảo luật vẫn chưa triệt để.

“Đã mở cửa rồi, nhưng dự thảo lại không mở luôn, vẫn để lại 3 lĩnh vực được coi là phức tạp (đất đai, thuế và sở hữu trí tuệ), buộc người dân phải khiếu nại lần đầu lên cơ quan hành chính. Nói “để thêm thời gian cho người dân chuẩn bị hồ sơ”, tôi cho không cần thiết, vì khi đi khiếu kiện người ta đã phải chuẩn bị kỹ rồi. Còn nếu vì e ngại trình độ của thẩm phán trong những lĩnh vực chuyên sâu này thì đặt vấn đề như vậy là không tích cực. Nếu thẩm phán chưa đủ năng lực thì phải kiện toàn đội ngũ thẩm phán”, ĐB Trừng nhận xét.

Có cùng quan điểm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận tòa án ngay với mọi loại vụ việc, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đề nghị dự thảo luật quy định thủ tục khởi kiện ra tòa phải đơn giản tối đa. Tuy nhiên, để hạn chế việc lạm dụng quyền khởi kiện để tránh khiếu kiện bừa bãi, ĐB gợi ý: “Có thể dùng biện pháp kinh tế. Người khởi kiện phải đóng một khoản phí. Nếu kiện đúng, miễn phí. Kiện không có cơ sở, phải chịu phí”.

ĐB Tất Thành Cang (TPHCM) đề nghị làm rõ thêm về trường hợp người dân đã khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên nhưng không hài lòng với quyết định giải quyết và tiếp tục khởi kiện tại tòa. ĐB Trương Thị Ánh cũng đặt câu hỏi: “Tòa hành chính sẽ chỉ xem xét tính hợp pháp của trình tự, thủ tục ra quyết định hành chính hay cả về nội dung của quyết định? Bởi các khiếu kiện về giá đền bù giải phóng mặt bằng chiếm một tỷ lệ rất cao trong số các khiếu kiện, cho dù trình tự, thủ tục ra quyết định không có gì sai”.

Tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trần Văn Tú khẳng định, tòa án sẽ xem xét, xử lý tất cả các quyết định hành chính có liên quan đến vụ việc, kể cả quyết định ban đầu lẫn quyết định giải quyết khiếu nại sau đó, cũng như cả về trình tự thủ tục lẫn nội dung của quyết định.

Ông Tú nói thêm, một điểm mới “rất tiến bộ so với hiện hành” là dự luật đưa ra quy định về cơ quan theo dõi việc thi hành án hành chính cũng như chế tài đối với việc không thực hiện quyết định của tòa. “Trước đây vì không có cơ quan theo dõi thi hành án hành chính và chế tài nên nhiều bản án hành chính tuyên xong đã bị “ngâm”, ông Tú giải thích.

Vẫn theo Phó Chánh án, quy định khiếu nại hành chính lần đầu đối với một số loại vụ việc rồi mới được khởi kiện ra tòa (hoặc tiếp tục khiếu nại hành chính) giúp người khởi kiện cũng có lợi, có thêm thời gian để cân nhắc vụ việc trên nhiều khía cạnh. “Thời hiệu khởi kiện chỉ tính từ khi thực sự khởi kiện ra tòa chứ không tình thời gian khiếu nại hành chính trước đó”, ông Tú cung cho biết thêm.

Làm luật kiểu “tản mạn”

Thảo luận tại tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, nhiều ĐBQH cho rằng, công tác xây dựng pháp luật cần phải dựa vào yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề bức xúc từ thực tế.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) phát biểu về đề án xây dựng Hà Nội 2030 và tầm nhìn 2050. Ảnh: M.ĐIỀN
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) phát biểu về đề án xây dựng Hà Nội 2030 và tầm nhìn 2050. Ảnh: M.ĐIỀN

ĐB Nguyễn Đăng Trừng nhận xét, trong nhiệm kỳ QH này, các dự án luật được trình ra QH chủ yếu là từ nhu cầu của cơ quan trình luật, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế. “Chúng ta vẫn làm luật kiểu tản mạn, nhiều luật chưa cần thiết vẫn đưa vào chương trình gây tốn thời gian của QH. Trách nhiệm vấn đề này thuộc về Ủy ban Thường vụ QH” - ông Trừng thẳng thắn nói. ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) có cùng quan điểm khi cho rằng Luật Đất đai cần sớm sửa đổi vì có nhiều vấn đề liên quan đến đời sống người dân, quy định bất hợp lý gây khiếu nại tố cáo.

Theo ĐB Nguyễn Đăng Trừng, một khi vấn đề tích tụ đất đai chưa được giải quyết trong Luật Đất đai, nhiều vấn đề vướng mắc sẽ không được tháo gỡ, chẳng hạn như liên kết “4 nhà” sẽ khó phát huy hiệu quả.

Các ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Đào Xuân Nay (Bình Thuận) nêu thực tế, tại các kỳ họp của QH hiện nay thường đưa ra rất nhiều dự án luật nên các đại biểu không thể có sự đầu tư chu đáo, từ đó rất khó cho ý kiến một cách đầy đủ, sâu sắc. Ngay trong kỳ họp thứ 7 QH khóa XII này cũng đưa ra tới hơn 20 phần việc, trong đó có những dự luật đưa ra thảo luận nhưng chưa thực sự cấp thiết (Luật Nuôi con nuôi, Luật Bưu chính…), trong khi có nhiều dự luật quan trọng như Luật Biển Việt Nam thì lại không đưa vào chương trình nghị sự. Mặc dù là vấn đề nhạy cảm, nhưng nếu không sớm thông qua Luật Biển Việt Nam thì không thể thể chế hóa nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển biển. Bên cạnh đó, đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện quyền của mình trên vùng biển.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai khi có một số luật bị trì hoãn mãi như Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn…

ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) nêu ra vấn đề mới, đó là cơ chế khuyến khích ĐBQH trình dự án luật: “Tôi cho rằng, trong nhiệm kỳ QH khóa tới, cần đề ra mục tiêu 2% các dự án luật do ĐBQH xây dựng và trình. Muốn vậy, cần phải tăng cường năng lực các cơ quan giúp việc cho QH và ĐBQH”.

Còn ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, QH chỉ cần tiến tới ra được “đầu bài” cho các cơ quan soạn thảo xây dựng các dự luật đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội là đã thành công.

Băn khoăn về các dự án quan trọng quốc gia

Về việc sửa đổi Nghị quyết 66 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư, nhiều ĐBQH đồng tình việc nâng tiêu chí quy mô vốn đầu tư của dự án, công trình quan trọng quốc gia phải trình QH quyết định từ 20.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng, vì việc áp dụng trong thực tế không còn phù hợp do quy định vốn đầu tư được tính theo thời giá năm 2006.

Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch băn khoăn: “Điều kiện kèm theo là dự án đó có tỷ lệ 30% vốn nhà nước trở lên. Vậy với những dự án lớn hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng không có tiền nhà nước thì có phải là quan trọng quốc gia không? Rõ ràng khái niệm dự án quan trọng quốc gia chưa rõ”. Một số ý kiến cho rằng, đối với dự án, công trình mà công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (từ 51% trở lên) tham gia đầu tư, việc xác định tỷ lệ 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng vốn đầu tư dự án, công trình sẽ rất khó, bởi nguồn vốn đầu tư chưa hoàn toàn là vốn nhà nước hoặc có nguồn gốc vốn nhà nước. Mặt khác, hiện đang có sự nhầm lẫn giữa tài sản pháp nhân của doanh nghiệp với cổ phần của chủ sở hữu. “Đây là chỗ vướng về mặt pháp lý cần được tháo gỡ” – ĐB Trần Du Lịch nói.

Trong khi đó, ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM) cho rằng tiêu chí về sử dụng rừng trong dự thảo nghị quyết là một bước thụt lùi. Theo Nghị quyết 66, nếu dự án sử dụng đất rừng đặc dụng hay khu bảo tồn thiên nhiên thì dù “đụng đến 1m² cũng phải báo cáo”, trong khi dự thảo sửa đổi quy định sử dụng tới 200ha mới phải báo cáo.

ĐB Phạm Phương Thảo quan tâm tới việc sử dụng đất trồng lúa: “Hiện đất nông nghiệp đang mất rất nhanh, chỉ trong 8 năm qua đã mất 255.000ha. Vì vậy, nên chăng phải có tiêu chí về sử dụng đất nông nghiệp?”. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lại cho rằng không nên đưa tiêu chí về giá trị tuyệt đối, mà nên tính theo phần trăm GDP, tránh phải thay đổi nhiều lần.

Đối với các dự án, công trình quan trọng đầu tư ra nước ngoài, nhiều ĐB cho rằng điều quan trọng nhất là QH phải giám sát lượng vốn ngoại tệ sẽ mang ra ngoài đầu tư, chứ không phải là quy mô dự án lớn bao nhiêu, bởi vấn đề này liên quan đến cân đối ngoại tệ quốc gia.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM), quy định về tỷ lệ vốn góp của nhà nước trong dự án đầu tư ra nước ngoài cũng cần phải xem lại, bởi nếu dự án có số vốn rất lớn, trong đó vốn nhà nước chỉ góp 10%-15% (quy định là 30% trở lên mới phải trình QH) cũng khiến một lượng ngoại tệ lớn đi ra ngoài. Một số ĐB khác nhận xét, với các dự án đầu tư ra nước ngoài, tiêu chí về đánh giá rủi ro cũng rất quan trọng.

BÌNH AN - HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục