Cuối năm, không khí hoan hỷ bao trùm khi hàng loạt dự án giao thông phía Nam được công bố có vốn đầu tư khổng lồ. Mới đây, tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng được xem xét triển khai. Trước đó, tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài có tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, được tổ chức ký kết thực hiện.
Trên mặt báo, những dự án giải quyết nút giao thông lớn vẫn thường xuyên xuất hiện, như cầu nối TPHCM - Nhơn Trạch (Đồng Nai) đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, cầu Cần Giờ dự tính sẽ đầu tư 5.300 tỷ đồng. Trên 38.000 tỷ đồng để thực hiện ngần ấy dự án, một con số không hề nhỏ!
Nhưng ở trước mắt, hàng loạt dự án giao thông thi công ì ạch vì đói vốn. Mặc dù đang thi công nhưng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có tiền giải ngân cho nhà thầu, đích thân Thủ tướng phải vào cuộc. Hay như dự án metro Suối Tiên - Bến Thành, vẫn đang loay hoay xoay xở tiền nong. Xa hơn, dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho đến giờ chưa cân đối được nguồn vốn. Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, sau khi chốt chọn nhà thầu trong nước, vốn đầu tư ở đâu vẫn tính chưa ra.
Dự án công bố hoành tráng, chưa có vốn thực hiện, nhưng lại có sự thật xảy ra là: hễ chính quyền công bố quy hoạch một dự án nào đó thì việc đầu tiên là giá đất tăng vọt. Nhà đầu cơ khắp nơi ào ào bay đến, sang nhượng ào ạt, kiếm lời ngay trước mắt. Đơn cử, chỉ một đề xuất “vu vơ” của một đại gia làm tuyến đường ven sông Sài Gòn, thế là giá đất vùng Tây Bắc Củ Chi, Hóc Môn, quận 12…bỗng dưng tăng vọt. Liên quan đến Cần Giờ, khi công bố thông tin sẽ làm cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh, giá đất tăng lên một bậc; rồi công bố kết quả cuộc thi thiết kế cây cầu, giá đất tiếp tục nhảy múa.
Tương tự, đối với giá đất huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cây cầu nối với TPHCM còn nằm trên giấy, nhưng mỗi khi có “đề xuất” hoặc “họp bàn” xuất hiện trên truyền thông, giá đất lại “rủ” nhau tăng! Đặc biệt, tại khu vực quy hoạch sân bay Long Thành, giá đất sôi sùng sục, tăng giá từng ngày, người người, nhà nhà đua nhau đến để lướt sóng.
Điều trớ trêu là, tình trạng trên xảy ra nhiều lần, lặp đi lặp lại, trở thành một công thức, gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội. Hệ quả là, khi chính quyền tiến hành giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án thì giá đất đã cao vút trên mây. Quy định pháp luật về đất đai là bồi thường theo giá thị trường, do vậy Nhà nước phải đền bù giá cao hơn rất nhiều lần so với trước thời điểm công bố quy hoạch làm dự án. Đã vậy, không chỉ dự án đó bị ảnh hưởng mà kéo theo nhiều dự án an sinh xã hội khác như đường sá, trường học, bệnh viện… đều phải đền bù với giá cao hơn. Nguồn lực bị phân tán, dẫn đến đền bù gặp trở ngại, dự án bị chựng lại, nhìn đâu cũng thấy ngổn ngang. Trên thực tế, từ khi công bố quy hoạch dự án cho đến khi thực hiện thường kéo dài nhiều năm, người hưởng lợi do giá đất tăng là kẻ đầu cơ, còn người dân tại chỗ lại không hưởng được bao nhiêu khi đất lên giá vì phải di dời đi nơi khác; đặc biệt ngân sách nhà nước bị thiệt hại khôn cùng do phải đền bù giá cao!
Ngoài việc công bố quy hoạch và tập trung nguồn lực thực hiện ngay dự án, một giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất, đó là Nhà nước phải khai thác quỹ đất lân cận dự án. Ví dụ, khi quy hoạch dự án mở đường 30m thì quy hoạch tuyến đường rộng 60m hoặc rộng hơn, quỹ đất dôi dư để tiến hành bán đấu giá làm nhà ở, công trình thương mại, dịch vụ... Số tiền thu được không chỉ góp sức thực hiện dự án mà có thể “bù thêm” sự thua thiệt cho người dân phải di dời khi làm dự án. Từ đó, chênh lệch địa tô không còn nằm trong tay giới đầu cơ mà chính quyền sẽ điều tiết được giá đất, tránh được nhiều hệ lụy đáng tiếc.