Lãng phí của công

Đủ kiểu!

Đủ kiểu!
  • Từ việc “vô tư” xài điện công

Lãng phí trong quá trình sử dụng hệ thống điện chiếu sáng công cộng là điều dễ thấy nhất. Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn TPHCM, hệ thống đèn chiếu sáng dân lập lên đến hơn 100 ngàn bóng. Lượng điện năng tiêu thụ cho hệ thống chiếu sáng công cộng khoảng 8,6 triệu kWh/tháng với số tiền điện gần 8,5 tỷ đồng. Việc chiếu sáng công cộng vào ban đêm là một nhu cầu cần thiết nhưng nhiều nơi đã quá lạm dụng, gây ra lãng phí.

Đủ kiểu! ảnh 1

Phần lớn diện tích lầu 1 của chợ Văn Thánh đã không được sử dụng, gây lãng phí rất lớn

Trên thực tế, hệ thống đèn chiếu sáng dân lập chỉ cần dùng bóng đèn huỳnh quang từ 20W đến 40W là đã đáp ứng được yêu cầu, nhưng hiện nay, nhiều nơi sử dụng bóng có công suất từ 200W đến 250W (số bóng đèn công suất lớn tăng lên gấp 3 lần trong những năm gần đây) nên gây lãng phí rất lớn.

Việc để người dân tự tắt-mở cũng là một nguyên nhân gây lãng phí vì không phải đóng tiền nên “bật sớm, tắt muộn” là chuyện thường ngày. Tại một con đường nhỏ ở phường Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức, mới 5 giờ chiều nhưng hàng loạt bóng đèn 250W đã được mở, qua sáng hôm sau có khi đến 7 giờ mới được tắt, có hôm người ta quên, để đèn sáng… cả ngày.

Với 8,5 tỷ đồng trả cho hệ thống chiếu sáng công cộng, nếu chúng ta sử dụng các thiết bị một cách hợp lý, tắt mở đúng lúc thì việc tiết kiệm khoảng 10% lượng điện năng với vài trăm triệu đồng là chuyện trong tầm tay.

  • Đến vô số việc khác

Đi trên đường, không khó lắm để tìm một buồng điện thoại công cộng. Trên đường Hùng Vương, chỉ một đoạn chưa đến 500m nhưng có đến 3 buồng điện thoại công cộng (điện thoại thẻ Việt Nam). Ngồi tại đây quan sát hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi thấy chẳng có ai đến 3 buồng điện thoại này để gọi. Đấy là nơi tương đối thuận lợi, đông đúc người qua lại; còn những buồng lắp đặt ở những nơi vắng vẻ thì mặc cho cỏ dại bao phủ, bụi bám. Hiện nay tại TPHCM có đến 2.500 buồng điện thoại công cộng nhưng tác dụng thì rất hạn chế.

Trong lúc TP cần từng mét đất để xây dựng đầu tư xây dựng thì nhiều công trình hoạt động không hiệu quả vẫn cứ nằm ì ra đó từ năm này sang năm khác và ngày một xuống cấp. Chợ Văn Thánh có diện tích hơn 7.000m2 nhưng từ nhiều năm nay đã trở thành chợ “thanh vắng”. Trên lầu một chỉ có duy nhất một tiểu thương bày hàng ra để bán, tiểu thương này phải mở nhạc sập xình để khách biết trên này... có bán hàng.

Tất cả các ki ốt còn lại đều đã đóng cửa, dưới tầng trệt có khá hơn nhưng người bán lại nhiều hơn người mua. Do không được sử dụng thường xuyên, nhiều hạng mục của chợ xuống cấp nghiêm trọng. Một tiểu thương tại đây cho biết chợ quá ế ẩm, muốn chuyển đi nơi khác nhưng không biết chuyển đi đâu. Bà con tiểu thương nơi đây đang chờ… giải tỏa chợ để được tái bố trí nơi buôn bán mới, nhưng chờ gần cả chục năm nay vẫn chưa thấy gì.

Ngày 2-11 vừa qua, UBND TPHCM đã chủ trì cuộc họp với các sở - ngành liên quan để bàn về việc chuyển đổi công năng chợ này. Theo đó, khu vực này sẽ được xây dựng thành khu trung tâm thương mại kết hợp với văn phòng làm việc.

chuyện lãng phí đất đai có thể nói đến “cánh đồng hoang” giữa lòng thành phố thuộc địa bàn quận 10 và Tân Bình. Khu đất này rộng hơn 30ha bị bỏ hoang từ gần chục năm nay do bị quy hoạch “treo” mà trách nhiệm giữa các ban ngành chưa rõ ràng (!?).

Hiện nay “cánh đồng hoang” này đang tiếp tục bị xà xẻo, chiếm dụng, trở thành tụ điểm chích choác, mại dâm... Cứ tính mỗi mét vuông theo khung giá của TP ban hành thì chúng ta đã không sử dụng hàng ngàn tỷ đồng này từ nhiều năm nay. 

Trà Giang - Ái Vân

Tin cùng chuyên mục