Đưa công nghiệp phần mềm ra biển lớn

Triển lãm quốc tế Công nghệ thông tin - điện tử Việt Nam 2009 đã kết thúc vào ngày 19-7, khép lại cuộc trình diễn công nghệ thông tin (CNTT) - điện tử lớn nhất Đông Nam Á của 300 doanh nghiệp hàng đầu đất nước hiện nay. Bên cạnh sự hào nhoáng của những gian hàng thu hút đông đảo khách tham quan, các hội thảo được tổ chức đồng thời với triển lãm năm nay còn cung cấp cái nhìn chi tiết về bức tranh toàn cảnh CNTT của đất nước. Trong bức tranh đó, công nghiệp phần mềm (CNPM) là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

Đã có nhiều tín hiệu vui đối với sự phát triển của các doanh nghiệp phần mềm nói riêng, CNPM nói chung của nước ta. Cụ thể như năm 2008, ngành CNTT Việt Nam tăng trưởng bình quân 49%, trong đó phần mềm và dịch vụ tăng trưởng 87%. Năm nay, lần đầu tiên, Việt Nam đã có mặt trong số 10 quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh các con số định tính đó, các con số định lượng lại cho thấy một cái nhìn chưa thực sự khả quan. Kết quả đạt được của CNPM vẫn ở mức khiêm tốn, doanh thu CNPM năm 2008 của Việt Nam đạt khoảng 424 triệu USD. Ngành CNPM và CNTT ở nước ta chỉ đóng góp 0,5% trong GDP cả nước…

Những số liệu này chỉ ra rằng, con đường phát triển CNPM, mặc dù là con đường “trải hoa hồng”, tăng trưởng cao, nhưng không dễ gì để đất nước phát triển mạnh, tăng trưởng GDP cao nhờ ngành này. Có nhiều khó khăn trong đó: nhân lực CNTT của chúng ta hiện chưa đủ để đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng; 70% doanh nghiệp phần mềm có quy mô rất nhỏ (dưới 10 người, số vốn dưới 1 tỷ đồng), đa số hoạt động tự phát, chưa tạo ra những định hướng sáng tạo, phát triển bền vững. Hơn nữa, phần lớn các doanh nghiệp phần mềm của chúng ta hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm hơn là thực sự sản xuất ra những sản phẩm của riêng mình để bán ra thị trường trong và ngoài nước…

Tại các hội thảo đi kèm với cuộc triển lãm kể trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ sẽ cùng các doanh nghiệp CNTT, các đơn vị đào tạo đặt quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT sau 7 năm nữa. Trong thời gian tới Bộ GD-ĐT và Bộ TT-TT sẽ phải phác họa chính xác bức tranh về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Trong 5 năm tới, Chính phủ sẽ chi 900 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT.

Điều đó cần, nhưng có lẽ ngành CNPM còn cần nhiều hơn thế. Việc hoạch định một kế hoạch tổng thể về định hướng phát triển ngành cần được thực hiện trước khi có những kế hoạch chi tiết và những khoản tiền được hứa hẹn rót xuống. Các doanh nghiệp cần có được sự định hướng phù hợp từ các nhà quản lý cấp cao hơn, hỗ trợ bằng các đường lối chính sách, bảo vệ trong giai đoạn “ươm mầm” rồi liên kết các họ lại, chỉ cho họ con đường “ra biển lớn”. Quy hoạch các khu công viên phần mềm tập trung thế nào cho hợp lý, xác định đúng vị trí và thế mạnh của Việt Nam để quyết định tập trung nhiều hơn vào phân khúc nào trong thị trường cạnh tranh của ngành công nghiệp này cũng cần tính đến. Nếu làm tốt, chúng ta có thể xây dựng cho mình một ngành công nghiệp không phụ thuộc, tránh tình trạng mãi mãi chỉ mạnh về… gia công, làm thuê cho người khác.

Các chuyên gia khẳng định, không có ngành kinh tế nào có tiềm năng mang lại hiệu quả toàn diện và to lớn hơn cho đất nước ta trong khoảng 15 - 20 năm tới bằng ngành CNPM và dịch vụ CNTT. Chỉ có điều, không phải một mình Việt Nam nhìn thấy điều đó. Bài toán đi sau, về trước luôn luôn là một bài toán cần nhìn xa, trông rộng.

Minh Tú

Tin cùng chuyên mục