Đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh

Tại cuộc họp trực tuyến vào ngày 7-9 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh.

Thực tế cho thấy, từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam vào năm 2017 đến nay, kết quả số vụ vi phạm vẫn còn cao. Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ tàu cá vi phạm. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, xử phạt 1.527 vụ. Nguyên nhân vì sao?

Tại buổi họp trực tuyến nêu trên, ông Đường Hữu Lý, Bí thư xã Bình An (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), thừa nhận: “Xã mới nắm được một phần” các chủ trương, quy định về chống khai thác IUU.

Còn ông Lê Nguyên Trắng, Chủ tịch UBND xã An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), đã tỏ ra lúng túng trước câu hỏi của Thủ tướng về tình hình vi phạm của ngư dân trên địa bàn, việc xử lý đến đâu? Tại sao người dân vi phạm?

Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU còn có biểu hiện né tránh nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm.

Một nguyên nhân nữa, đó là nhiều ngư dân không nắm rõ biên giới biển. Nói như các ngư dân ở miền Trung thì mỗi khi vươn khơi cứ theo luồng cá mà mải mê không biết đang ở vùng biển của nước mình hay vào hải phận nước bạn.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá tính đến nay còn chậm, với 26.915 tàu được lắp đặt (đạt 87,45%). Thậm chí, nhiều tỉnh đạt tỷ lệ quá thấp, như Thanh Hóa (đạt 46,90%), Quảng Trị (đạt 60,55%), Trà Vinh (đạt 65,53%)… Đã vậy, còn tồn tại kiểu đánh bắt cá “giấu tọa độ”, bằng cách tắt thiết bị VMS. Điều này không những vi phạm quy định về chống khai thác IUU mà còn nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân khi gặp sự cố bất ngờ trên biển.

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, với sản lượng khoảng 9 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt từ 8,5-9 tỷ USD/năm. Sự hiện diện và hoạt động của ngư dân trên các vùng biển đã giải quyết việc làm, sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân và 4 triệu người liên quan; góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chỉ còn 4 tháng nữa để có thể đạt mục tiêu gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ những yêu cầu, giải pháp cụ thể mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra. Trong đó, vai trò của 675 xã, phường, thị trấn thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển trong việc tổ chức thực hiện, tuyên truyền, vận động nhân dân, phải thể hiện rõ nhất. Có như vậy, hoạt động khai thác hải sản mới trở lại lành mạnh, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đúng hướng.

Tin cùng chuyên mục