Hành trình gian nan
Theo thống kê của cơ quan bảo vệ môi trường, tình trạng rác thải ni lông ở các chợ hiện nay chiếm đến 65% tổng lượng túi ni lông thải ra môi trường hàng ngày, gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây nghẹt cống rãnh, mất mỹ quan đô thị. Nếu chôn lấp, túi ni lông sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường nước, đất, các vi sinh vật. Thực tế đó đã khiến chị Phượng trăn trở, tìm giải pháp thay thế những chiếc túi ni lông truyền thống. Chị quyết định từ bỏ công việc ở Phân viện Khoa học địa chất và khoáng sản phía Nam để ngày đêm mày mò, nghiên cứu tìm sản phẩm thay thế an toàn hơn. Năm 2011, những chiếc túi ni lông sinh học tự hủy đầu tiên được ra đời, có thành phần chính là nhựa và hạt phụ gia tự hủy sinh học. Khi thải ra môi trường tự nhiên, trong vòng 6 tháng đến 24 tháng, dưới tác động nắng, gió, vi sinh vật... túi sẽ tự phân hủy hoàn toàn và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, vì phải nhập khẩu nguyên liệu, chất phụ gia và máy móc từ nước ngoài khiến chi phí sản xuất túi ni lông sinh học tự hủy luôn cao hơn so với túi ni lông truyền thống. Bên cạnh đó, phần lớn người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của túi ni lông sinh học, nên dự án của chị Phượng gặp vô vàn khó khăn, dường như đi vào bế tắc.
Không bỏ cuộc, ròng rã suốt nhiều năm qua, chị Phượng đã đi đến nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM để tuyên truyền về tác hại của túi ni lông truyền thống và giới thiệu túi ni lông sinh học tự hủy. Dù không được nhiều người đón nhận, có tiểu thương còn từ chối ngay lần giới thiệu đầu tiên, nhưng chị luôn kiên trì, tìm đến từng gian hàng để mời dùng thử, thuyết phục tiểu thương mua sử dụng. Nhớ về những ngày đầu của hành trình đưa túi ni lông sinh học vào chợ truyền thống, chị Thúy Phượng trải lòng: “Đây là một công việc mà tôi biết trước là rất gian nan. Ở chợ truyền thống, phần lớn là các gian hàng nhỏ lẻ, nhiều tiểu thương từ chối sử dụng vì túi ni lông truyền thống giá rẻ hơn. Nhiều lúc cũng muốn buông vì phải lo kinh tế gia đình, nhưng nhìn thấy tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng nghiêm trọng, tôi lại không đành lòng và tiếp tục kiên trì theo đuổi dự án này”.
Góp phần bảo vệ môi trường
Trải qua nhiều khó khăn và thử thách nhưng với sự kiên trì, bền bỉ, chị Thúy Phượng đã bước đầu gặt hái được những thành quả nhất định. Nhiều người dân, tiểu thương tại các chợ truyền thống đã hiểu, tin tưởng và lựa chọn túi ni lông sinh học tự hủy để sử dụng. Chị Nguyễn Thị Trang (đường Quang Trung, quận Gò Vấp) chia sẻ: “Ban đầu khi thấy chị Phượng đến tuyên truyền vận động người dân, tiểu thương dùng túi ni lông sinh học tự hủy, tôi cũng ngại ngần vì sợ túi không bền, dễ rách khi đựng thực phẩm cho khách hàng. Về sau trải nghiệm thực tế, tôi mới nhận ra rằng túi khá bền mà giá không quá cao so với túi ni lông truyền thống nên tin tưởng và thường mua sử dụng”. Còn chị Vũ Thị Ngọc Hiền, tiểu thương tại chợ An Nhơn, quận Gò Vấp cho biết: “Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho tất cả mọi người, tôi thường sử dụng các sản phẩm túi ni lông sinh học của chị Phượng. Giá thành phù hợp, không cao hơn so với túi ni lông truyền thống mà còn góp phần bảo vệ môi trường sạch hơn. Hy vọng rằng dự án này sẽ giúp ích cho cộng đồng xã hội, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa để thành phố ngày càng sạch đẹp hơn”.
Hiện nay, dự án sản xuất túi ni lông sinh học tự hủy của chị Phượng đã được Hội LHPN TPHCM, Hội LHPN quận Gò Vấp nhiệt tình ủng hộ và đồng hành sử dụng suốt nhiều năm qua. Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp cho biết: “Thật đáng quý khi những việc làm kiên trì, chịu khó của chị Phan Thị Thúy Phượng nhằm giúp cho môi trường sạch hơn. Vì lợi ích cho môi trường và cho chính mỗi người, Hội LHPN quận thường xuyên đồng hành, tuyên truyền cho tiểu thương, phụ nữ trên địa bàn giảm sử dụng túi ni lông, nói không với rác thải nhựa, đồng thời triển khai các hoạt động thiết thực như ngày thứ bảy tái chế, đổi vỏ hộp sữa lấy túi ni lông sinh học”.