Từ ngày 1-1-2018, Luật Du lịch 2017 đã có hiệu lực thi hành. Theo đó, môi trường du lịch phải được bảo vệ và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh. Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra chất lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; thu hồi quyết định công nhận trong trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không bảo đảm các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của pháp luật. Song, qua 9 tháng thực thi, nhiều quy định của Luật Du lịch 2017 chưa đi vào cuộc sống. Bộc lộ rõ nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vẫn là mối lo ngại lớn đối với du khách. Điều này ảnh hưởng đến việc tăng tốc phát triển du lịch nước ta.
Thực tế dịch vụ ăn uống ở nhiều cơ sở du lịch chưa đảm bảo thật tốt VSATTP, nhất là ở các điểm du lịch lễ hội. Hành vi sử dụng hóa chất cấm trong nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm, chưa được ngăn chặn hiệu quả, nên nguồn nguyên liệu phục vụ dịch vụ ăn uống khó bảo đảm tốt về VSATTP. Không chỉ các điểm dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, mà một số nhà hàng, khách sạn lớn cũng khó chọn lọc để quản lý VSATTP, bảo đảm thực phẩm, phụ gia không nhiễm vi sinh, không chứa hóa chất bị cấm. Đó là một thực trạng khó có thể làm ngơ, bởi du khách, nhất là du khách nước ngoài ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng môi trường du lịch, đặc biệt là VSATTP. Trong cuộc cạnh tranh thu hút du khách quốc tế, môi trường du lịch đẹp, lành mạnh, an ninh là chưa đủ, mà rất cần thực sự xanh, sạch và an toàn.
Không thể vì vậy mà những người quản lý các nhà hàng, khách sạn chống chế, bao biện, cho rằng không thể đảm bảo cho thực khách luôn được phục vụ những thực phẩm an toàn. VSATTP là yếu tố cần quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch. Du khách ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn trong việc đảm bảo sự an toàn trong từng bữa ăn của họ. Vì thế, các nhà hàng lớn phải tuân thủ các tiêu chuẩn VSATTP nhằm đạt được sự tin tưởng cao nhất từ khách hàng. Giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất là hãy chọn những nhà cung cấp thực phẩm uy tín, và có quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm nghiêm ngặt, để các món ăn đảm bảo VSATTP. Từ chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đến người quản lý, mỗi nhân viên phục vụ phải hiểu và có ý thức cao trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về VSATTP.
Nhiều du khách nước ngoài và kiều bào đã góp ý về thực trạng nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống ở Việt Nam thiếu quan tâm việc bảo đảm có đủ nước và nước đá sạch. Nhiều cơ sở sản xuất nước đá chỉ sử dụng nước giếng khoan hay nước máy để đông thành nước đá, nên không đảm bảo vệ sinh. Quá trình vận chuyển, bảo quản nước đá cũng có sự thờ ơ việc giữ vệ sinh. Do vậy, khi kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, cơ quan chức năng cần đặc biệt chú trọng kiểm tra an toàn vệ sinh nước đá, nước ăn và nước rửa. Các nhà hàng, khách sạn phải có hợp đồng về nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm an toàn và có thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước. Khi cơ sở dịch vụ nào bị phát hiện không đảm bảo các điều kiện VSATTP, dù đã được trao giấy chứng nhận bảo đảm VSATTP cũng phải tịch thu và tùy vào từng lỗi vi phạm để chủ động nhắc nhở, kiên quyết xử phạt.
Hiện nay, việc xếp hạng từ 1 đến 5 sao cho các khách sạn vẫn được căn cứ theo các tiêu chí về vị trí, kiến trúc, trang thiết bị tiện nghi, dịch vụ, người quản lý và nhân viên phục vụ, an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường, VSATTP. Trong các tiêu chí đó, nên đặc biệt chú trọng tiêu chí về VSATTP. Qua thanh tra, kiểm tra chất lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nếu phát hiện khách sạn nào không đảm bảo tốt về VSATTP, thì cơ quan chuyên môn về du lịch mạnh tay hạ xếp hạng sao. Có như vậy mới tạo ra được sự chuyển động tích cực về bảo đảm VSATTP, khắc phục một khâu còn nhiều hạn chế trong việc phục vụ du khách.