Đừng để giấc mơ “sáng nở, tối tàn”

LIÊN THƯỢNG

Gói 30.000 tỷ đồng chấm dứt, đơn giản vì hết tiền! Xét về vai trò lịch sử, gói tín dụng này đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc: phá tan băng thị trường bất động sản (BĐS), hỗ trợ 46.246 khách hàng - chủ yếu là người mua nhà - tạo lập nhà ở mới. Phải khẳng định, trong vấn đề lo nhà ở cho người dân nghèo, thu nhập thấp, chưa có một chính sách nào lan tỏa và hiệu quả đến như vậy.

Trở lại với gói 30.000 tỷ đồng. Thời điểm ra đời là lúc thị trường BĐS tê liệt, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Đầu năm 2013, Nghị quyết 02 ra đời, khai sinh gói 30.000 tỷ đồng cùng hàng loạt giải pháp khác tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Kết quả, thị trường ấm lại, khởi sắc rõ rệt, kéo theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Còn gói 30.000 tỷ đồng khi mới vận hành, việc giải ngân chậm chạp gây nhiều hoài nghi về hiệu quả. Nhưng càng về cuối càng tăng tốc, cho đến khi việc giải ngân chấm dứt trước thời hạn, bỗng dưng tạo nên “cú sốc” hụt hẫng cho xã hội. Điều đó cho thấy gói tín dụng này đã từng bước đem đến cơ hội an cư cho người nghèo.

Tại TPHCM, không khó lắm để “chỉ điểm” hàng loạt dự án nhà giá rẻ mà khách hàng đã chạm được giấc mơ an cư như Hưng Ngân Garden, Sơn Kỳ 1, Idico Tân Phú, Khang Gia Tân Hương, HQ Plaza, First Home… Soi lại ngành tín dụng, chưa có một sự ưu đãi nào tốt hơn, rộng rãi hơn cho người nghèo khi mà lãi suất từ 6%/năm xuống 5%/năm và kéo dài thời gian trả nợ đến 15 năm. Gói 30.000 tỷ đồng là một điểm son trong chính sách an cư của Chính phủ dành cho người nghèo, nhưng làm sao đừng để giấc mơ đó “chớm nở sớm tàn”?

Rõ ràng, nhu cầu nhà ở tại đô thị của người thu nhập thấp rất lớn. Để tạo lập sự an cư cho người nghèo, cơ bản phải có sự trợ giúp rất lớn của chính quyền, từ tài chính cho đến chính sách. Xét về bộ khung pháp lý, chúng ta có đầy đủ. Chính phủ từng có kỳ vọng giao các cơ quan chức năng thành lập Quỹ Phát triển nhà ở, Quỹ Tiết kiệm nhà ở (Nghị định 71/CP, năm 2010) để thu hút nguồn lực cho người nghèo mua nhà hoặc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn xây dựng nhà ở xã hội. Mới đây nhất, Luật Nhà ở năm 2014 đã đề cập việc huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay ưu đãi. Nhưng dù có nhiều giải pháp, kiến nghị, việc giải quyết an cư cho người nghèo vẫn còn nhiều hạn chế.

Suy cho cùng, gói 30.000 tỷ đồng xuất hiện trong bối cảnh bức bách của nền kinh tế, là giải pháp tình thế chứ không phải một chủ trương xuyên suốt nhất quán từ một đạo luật cụ thể. Muốn giải quyết thấu đáo vấn đề này, chúng ta cần có cách nhìn nghiêm túc về trách nhiệm lo chốn an cư cho người nghèo đô thị. Từ đó, chính quyền mới thể hiện quyết tâm bằng hành động cụ thể.

Nói không đâu xa, chỉ cần khai thác trực tiếp các quỹ nhà, đất mà các quy định trước đây đã ban hành như dành 10% quỹ đất hoặc 20% quỹ nhà từ các dự án nhà ở thương mại; trích tiền sử dụng đất từ các doanh nghiệp đã nộp để phát triển nhà ở xã hội thì “chúng ta đã có sẵn một nguồn lực vô cùng to lớn” - như nhận xét của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM. Tiếp đó, thẳng tay thu hồi các khu đất công do các công ty, tập đoàn nhà nước đang quản lý nhưng sử dụng sai mục đích, đã có kết luận của các cơ quan chức năng, để xây dựng nhà ở xã hội, đây là một nguồn lực không hề nhỏ chút nào. Từ quỹ đất dồi dào, có thể khai thác bằng cách bán đấu giá trước một số khu đất đắc địa để tạo vốn, vừa xây dựng nhà, vừa cho người dân vay mua nhà lãi suất thấp, trả dài hạn…

Hy vọng sau gói 30.000 tỷ đồng, sẽ có một chương trình quốc gia giải quyết an cư cho người thu nhập thấp. Giải quyết bài toán “an cư lạc nghiệp”, đây vừa là trách nhiệm, vừa là động lực cho đất nước phát triển căn cơ!

LIÊN THƯỢNG

Tin cùng chuyên mục