ĐBSCL có diện tích đất tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, chiếm khoảng 12% diện tích, 22% dân số và đóng góp khoảng 27% vào GDP quốc gia. Hàng năm, vùng này sản xuất hơn 50% sản lượng lương thực và cung cấp 92% lượng gạo xuất khẩu cho cả nước. Vì thế, sản xuất lúa của vùng ĐBSCL quyết định an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực thế giới, tăng giá trị xuất khẩu nông sản, phát triển dịch vụ nông nghiệp và nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và tạo cơ hội việc làm ở nông thôn.
Nhiều năm liền, nước ta luôn giữ vững vị trí cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới. Nhưng cho đến nay, Việt Nam nói chung và ĐBSCL - nơi được mệnh danh “bát cơm châu Á” vẫn chưa có được thương hiệu cho hạt gạo. Xây dựng và triển khai một chiến lược thương hiệu cho hạt gạo đồng bằng trở thành đòi hỏi bức bách.
Việc xây dựng thương hiệu hạt gạo ĐBSCL nên bắt đầu từ doanh nghiệp. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân: “Cần phải xây dựng thương hiệu để khẳng định giá trị hạt gạo Việt Nam. Và phải bắt đầu từ doanh nghiệp, sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn”. Doanh nghiệp là “mắt xích” cuối cùng trong chuỗi đầu ra của xuất khẩu gạo, hơn ai hết, họ “biết mình, biết ta” trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế - nơi mà các cường quốc xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ “tung hoành” và đã có những bước đi trước ta trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia xuất khẩu gạo chuyên nghiệp.
Trong khi ta vẫn đang “lẩn quẩn” tranh cãi với vai trò, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo giữa hiệp hội (đại diện hay chưa xứng đáng là đại diện cộng đồng doanh nghiệp) - bộ chuyên ngành và doanh nghiệp. Những “hục hặc”, “choảng nhau” giữa các thành viên giữ vai trò quyết định trong chuỗi sản xuất loại hàng hóa chiến lược này đã làm cho hạt gạo đồng bằng vừa chịu sự cạnh tranh sân nhà vừa gồng mình trước sự lấn lướt của các đối thủ. Trước khi liên kết bốn nhà, bản thân các doanh nghiệp phải liên kết dọc - ngang chặt chẽ và chuyên nghiệp.
Theo các chuyên gia, năng lực cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam còn thua kém xa giá trị thương phẩm của gạo Thái vốn đã có thương hiệu từ lâu, mức giá trung bình thường thấp hơn từ 100 - 200 USD/tấn. Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng gần đây, loại 5% tấm 380 - 400 USD/tấn và 25% tấm 325 - 350 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan là 510 và 426 USD/tấn, thấp hơn bình quân từ 80 - 120 USD/tấn. Nếu Việt Nam xuất khẩu đạt 7 triệu tấn gạo, đồng nghĩa với việc phải thua thiệt 700 triệu USD về giá, tương đương 2 triệu tấn gạo. Bài toán về giá cả và thương hiệu hạt gạo Việt Nam cần được doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà nước chung sức giải đáp.
Tương tự như lúa gạo, 4 năm trước, xuất khẩu cá tra phát triển mạnh, các công ty Việt Nam thi nhau chào bán giá thấp vào thị trường châu Âu, kéo theo chất lượng giảm sút khiến EU cấm cửa cá tra một thời gian. Theo từng năm, các nhà sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam đau xót nhìn giá cá phi lê xuất khẩu giảm từ 5 - 6 USD/kg xuống còn 3 USD/kg hay thậm chí ở một số thị trường chỉ còn 2 USD/kg. Tình hình nghiêm trọng đến mức Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang đã từng gửi văn bản “kêu cứu” đến Thủ tướng.
Điều kỳ lạ là Việt Nam đang nắm giữ trên 90% thị phần cá tra toàn cầu, xét về mặt kinh tế học, là nắm giữ độc quyền cung ứng sản phẩm đặc hữu này cho cả thế giới tiêu dùng cá tra. Nhưng tại sao “nhà độc quyền” lại không có quyền quyết định giá bán, thị trường, nguồn cung và làm chủ thị phần?
Câu trả lời chính là hệ lụy do phát triển nóng ngành cá tra, thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm từ nhiều năm trước. Nay trong cơn khát vốn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn chụp giật, tự làm khó mình và làm khó lẫn nhau khi liên tục chào bán cá tra với giá thấp để có tiền xoay vòng. Chính điều này đã tạo cho nhà nhập khẩu quyền xác lập “giá trần” và giá trần thì liên tục hạ.
Nhìn theo chuỗi giá trị, PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu - phát triển ĐBSCL, cho rằng con cá tra Việt Nam đang bị chặt ra làm 3 khúc. “Khúc đầu cho nhà phân phối nước ngoài và lên bàn ăn, khoảng 15 - 17 USD/kg. Khúc giữa cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phi lê, khoảng 3,2 - 3,4 USD/kg. Người nuôi chỉ được khúc đuôi từ 1,2 - 1,4 USD/kg. Đây là “phần ăn” lắm xương vì luôn đi kèm nguy cơ chịu rủi ro mất trắng, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước, môi trường”.
Theo TS Sánh, liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “luật chơi” trong “sân chơi” để các doanh nghiệp ứng xử và liên kết lại, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài. Trong đó, rất cần sớm có lộ trình cải tổ sản xuất theo hướng “liên kết chuỗi giá trị ngành hàng”; phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng, tiến tới thành lập sàn giao dịch thực chất và hiệu quả.
Trần Hữu Hiệp