Sau hơn 6 tháng thử nghiệm, ngày 14-1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã khai trương hệ thống “Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số”. Sự kiện này có ý nghĩa lớn khi những nỗ lực đầu tư cải thiện hạ tầng của ngành giao thông, dù rất đáng ghi nhận, vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp kiềm chế ùn tắc và kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) được triển khai, trong đó, nhiều biện pháp mạnh như tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tăng chế tài xử phạt các vi phạm giao thông…, thế nhưng việc kiểm soát ùn tắc và TNGT vẫn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, TNGT nghiêm trọng đối với xe khách chưa thôi là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân. Chính vì vậy, sự ra đời của “Giải pháp giao thông thông minh trên bản đồ số” được Bộ GTVT đánh giá là một bước tiến quan trọng về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông. Điều đặc biệt là, hệ thống này mang lại lợi ích khá toàn diện cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân và xã hội, theo hướng mang lại môi trường giao thông an toàn và luôn được kiểm soát.
Với việc quản lý phương tiện, nhất là xe khách, hệ thống này sẽ trợ giúp các cơ quan quản lý, doanh nghiệp vận tải giám sát hành trình và kiểm soát tốc độ của lái xe và phương tiện, phát hiện kịp thời các vi phạm về tốc độ, vi phạm về thời gian lái xe, vốn là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT hiện nay. Với người điều khiển phương tiện, hệ thống cung cấp cho lái xe thông tin về biển báo và các cảnh báo về cung đường sắp tới, cung cấp hệ thống chỉ dẫn đường bộ, thông tin về các điểm ùn tắc…
Bên cạnh đó, hệ thống còn cho phép các doanh nghiệp vận tải, lái xe nắm rõ tuyến, hành trình của mình nhằm tiết kiệm thời gian; kết nối thông tin giao dịch từ các sàn giao dịch vận tải; quản lý hệ thống taxi một cách hiệu quả. Đặc biệt, là một hệ thống tổng thể các ứng dụng tích hợp quản lý, điều hành, điều phối giao thông, giải pháp này giúp ứng phó khẩn cấp các hoạt động cứu hộ, cứu nạn; giúp dự báo nhu cầu đi lại, hỗ trợ các cơ quan quản lý ra các quyết định phù hợp.
Như vậy, về lý thuyết, hệ thống nêu trên không chỉ hỗ trợ mạnh mẽ công tác quản lý vận tải mà còn giúp người tham gia giao thông an toàn, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, trên thực tế, cái khó nhất là phải có một hành lang pháp lý cho hệ thống này vận hành. Đơn cử, để hệ thống này phát huy hiệu quả, khai thác triệt để những tính năng quản lý hữu hiệu thì các phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Mặc dù quy định bắt buộc các phương tiện xe khách phải lắp thiết bị GSHT đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, các phương tiện kinh doanh vận tải như taxi, đầu kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc phải lắp thiết bị GSHT từ 1-7-2015, thế nhưng, trên thực tế, việc lắp đặt các thiết bị này mới chỉ mang tính đối phó chứ không phải mang ý nghĩa tích cực là quản lý phương tiện.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục ĐBVN, đến 31-12-2015, mới chỉ khoảng 75% phương tiện truyền dữ liệu về Tổng cục ĐBVN, 18/63 địa phương chưa có báo cáo về xử lý các phương tiện vi phạm như thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác hoặc từ chối cấp phù hiệu. Một ví dụ dễ thấy nhất về việc thiết bị GSHT đã bị vô hiệu hóa là vụ TNGT trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới đây, một trong hai phương tiện trong vụ tai nạn đã được phát hiện là liên tục ngắt thiết bị GSHT. Điều đáng nói là, những vi phạm này đều được hệ thống trung tâm điều hành ghi nhận, gửi cảnh báo về các đơn vị quản lý trực tiếp nhưng dường như đã bị làm ngơ cho đến khi tai nạn xảy ra.
Rõ ràng, hệ thống văn bản pháp lý, chế tài xử phạt chưa có hoặc chưa đủ răn đe đã khiến cho các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao bị “mất thiêng”. Nhiều chuyên gia giao thông cũng đang lo ngại hệ thống này khó phát huy hết tác dụng khi các quy định liên quan đến đường cao tốc chưa đầy đủ, chưa được luật hóa; các quy định, chế tài về trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí được quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng không phù hợp với thực tế hiện hành… Vì vậy, làm thế nào để hệ thống “Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số” được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí là nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan. Giải pháp này cũng cần được tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và hợp tác trong khi tham gia giao thông để phát huy hiệu quả cao nhất những ứng dụng mà hệ thống mang lại.
MINH DUY