Trong mùa sản xuất hàng đặc sản địa phương cung ứng thị trường Tết Nguyên đán, nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh hàng đặc sản vẫn chưa quan tâm đăng ký nhãn hiệu cho các loại hàng hóa để dần hình thành thương hiệu uy tín riêng cho từng cơ sở, cho từng mặt hàng, hoặc hình thành nhãn hiệu tập thể cho làng nghề, để thành thương hiệu chung.
Cần chú ý đừng “gian dối kiểu khôn lõi” khi bán hàng hóa đặc sản, như dây trói cua to đùng, đầu khô cá bổi toàn xương, mật ong pha nước, tôm khô trộn nhiều phẩm cấp…, vì sẽ chẳng lợi lộc gì bao nhiêu mà còn mất uy tín thương hiệu của mình, hại cả những nông dân giãi nắng dầm sương chịu thương chịu khó làm ra sản phẩm, thậm chí làm xấu mặt người dân địa phương. Hãy tuyển chọn đóng gói chân thật và cân đong đo đếm cẩn thận những hàng hóa đúng phẩm cấp chất lượng và niêm yết đúng giá theo “tiền nào của nấy”. Để nâng cao chất lượng đặc sản, nhằm bán có giá, cần ý thức lợi ích của chính mình và lợi ích chung của xã hội, nông dân chỉ nên khai thác và bán ra hàng hóa đúng tiêu chuẩn, kiên quyết không bán “ốc len sữa”, “cua nhèm”, “cá lóc cửng”..., mà hãy thả nuôi lại cho chúng được lớn lên, và phải biết đón thời điểm mùa vụ khai thác, xuất bán có lợi nhất. Hãy có ý thức tạo sản phẩm đạt chất lượng cao bằng việc đưa nông sản ra thị trường đúng kích cỡ thương phẩm, vừa bảo vệ được nguồn lợi mà vẫn duy trì được sản lượng, chất lượng, nâng cao được giá trị lợi nhuận, tuyệt đối không lạm sát, khai thác bán các sản vật chưa đủ chuẩn. Ngoài ra, có thể nâng cao giá trị sản phẩm bằng việc đầu tư chế biến, bảo quản, giữ tốt chất lượng nguyên liệu, và phải biết tính toán chọn bán đúng thời điểm thị trường có nhu cầu lớn để được giá cao.
Trong việc khai thác, nuôi trồng và kinh doanh đặc sản, hãy ý thức làm sao giữ được tiếng và phát huy được lợi thế của quê hương mình, bằng cách chân thật trong giao tiếp mua bán, có tinh thần cầu thị lắng nghe và cải tiến. Được như vậy sẽ ngày càng có nhiều du khách đến thăm và lưu luyến khi quay về.
NGUYỄN VĂN THƯỚC
(Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Cà Mau)