Đừng mắc bẫy trị bệnh lừa bịp

Nhiều năm nay, tình trạng vi phạm của các phòng khám tư nhân đã gây bức xúc cho người bệnh và xã hội. Các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương cũng đã vào cuộc. Song các vi phạm không chấm dứt mà chuyển từ dạng này sang dạng khác tinh vi hơn. 
Khi chủ trương xã hội hóa y tế được triển khai sâu rộng, thực hiện đa dạng, trong đó có việc cho các phòng khám tư nhân được sử dụng các bác sĩ người nước ngoài thì đã phát sinh nhiều diễn biến phức tạp hơn. Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có hàng trăm phòng khám có bác sĩ người nước ngoài, hầu hết là bác sĩ người Trung Quốc (thường gọi là phòng khám Trung Quốc). 

Lúc đầu, các phòng khám này cũng có nhiều bác sĩ giỏi và tham gia khám chữa bệnh, giá cả phải chăng… Tuy nhiên, càng về sau, các phòng khám Trung Quốc đã vi phạm cả về chuyên môn lẫn y đức. Sai phạm phổ biến của các phòng khám tư nhân ở Hà Nội và TPHCM là các bác sĩ nguời Trung Quốc thường hoạt động “chui” - không có giấy phép hành nghề tại Việt Nam; không khám chữa bệnh theo đúng đăng ký; quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn; cơ sở khám chữa bệnh và trang thiết bị không đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, thậm chí rất bẩn thỉu, nhếch nhác; không có phòng xét nghiệm; không lập hồ sơ bệnh án theo đúng quy định; nhập nhèm trong kê toa thuốc và không có phác đồ điều trị rõ ràng… 

Song đáng nói nhất là tình trạng vẽ bệnh để trục lợi và giá khám chữa bệnh cao ngất ngưởng. Một ca tiểu phẫu cắt bao quy đầu ở bệnh viện công chỉ khoảng 200 đến 300 ngàn đồng, nhưng một phòng khám Trung Quốc đã buộc bệnh nhân phải trả đến hơn ba chục triệu đồng, cao gấp hàng trăm lần! Đây quả là một thực trạng nhức nhối. Họ không còn là những “lương y - từ mẫu” như xã hội mong đợi, mà trở thành những kẻ bóc lột, móc túi bệnh nhân một cách tàn nhẫn. Nhiều bệnh nhân lâm cảnh khánh kiệt mà bệnh vẫn đeo đẳng khi chữa trị tại các phòng khám này.
Điều đáng nói, dù đã được cảnh báo, nhưng người bệnh vẫn tấp nập đến các phòng khám “trời ơi” và các phòng khám này vẫn ngang nhiên hoạt động. Trước hết, đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên trách ngành y tế ở các địa phương, đã buông lỏng trong cấp phép cho các cơ sở y tế tư nhân, không kiểm tra thường xuyên và xử lý thích đáng các sai phạm… Tuy nhiên, có một yếu tố thuộc về chính bệnh nhân. Đó là xu hướng “sính” ngoại. 

Ngành y tế nước nhà đã có những bước tiến rất dài trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ngoài chữa trị những bệnh thông thường, chúng ta đã có nhiều thành công trong chữa các bệnh nan y. Cơ sở vật chất của hầu hết các bệnh viện đã được mở rộng, nâng cấp và đổi mới trang thiết bị. Nhiều bệnh viện mới được xây dựng rất hiện đại ngang tầm khu vực. Đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản và trải qua kinh nghiệm chữa bệnh cho hàng triệu lượt bệnh nhân. Nhiều người nước ngoài đã đến Việt Nam để khám, chữa bệnh và điều trị thành công trong khi họ đã từng đi nhiều nước nhưng không chữa khỏi. Đó là một thực tế. Song có một bộ phận người Việt lại không tin vào khả năng chữa trị của bác sĩ Việt và vô tình hay tự nguyện “chui đầu vào thòng lọng” giăng sẵn…

Để chấn chỉnh thực trạng nhức nhối trên, trước hết ngành y tế địa phương phải siết chặt việc thẩm định và cấp giấy phép hành nghề cho các cơ sở y tế tư nhân, các phòng khám có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là các phòng khám Trung Quốc. Kiểm tra của ngành y tế vừa qua cho thấy 100% phòng khám có yếu tố nước ngoài vi phạm, phạt hàng chục tỷ đồng. Đây rõ ràng là một kẽ hở trong việc quản lý y tế tư nhân cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới. Cần xử lý nghiêm, thậm chí cấm hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam những bác sĩ người nước ngoài vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng.

Ở một góc độ khác. Khi các phòng khám Trung Quốc đã lộ ra rất nhiều chiêu vẽ bệnh, kê toa thuốc lèm nhèm, tăng giá khám chữa bệnh rất cao để trục lợi…, tại sao bệnh nhân lại cứ lao vào để “tiền mất tật vẫn mang”?

Tin cùng chuyên mục