1. Ngày 28-3, hầu hết các báo trong nước đều đưa hai thông tin khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Thứ nhất, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin cho rằng, việc mua con tàu Hoa Sen (trị giá hơn 60 triệu EUR - PV) về là để thử nghiệm cho tuyến đường cao tốc Bắc - Nam trên biển. Theo cáo trạng đọc tại phiên tòa, việc mua con tàu này đã gây thiệt hại cho Nhà nước 469 tỷ đồng. Thứ hai, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, đơn vị này đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi đề án thu phí hạn chế xe cá nhân sang để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phản biện, vì hiện ý kiến người dân đang rất trái chiều về vấn đề này.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Thoa đề nghị Chính phủ phải báo cáo vấn đề này ra Quốc hội. Điều dư luận băn khoăn là một tập đoàn của Nhà nước sẵn sàng bỏ ra hơn 60 triệu EUR mua tàu về để thử nghiệm, vậy mà Quốc hội và người dân hoàn toàn không biết và cho ý kiến để rồi Nhà nước bị thiệt hại 469 tỷ đồng. Rồi việc Bộ GTVT đề xuất thu phí hạn chế xe cá nhân đã khiến ít nhất hai đại biểu dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đề nghị báo cáo lên Quốc hội và gửi sang để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phản biện.
Từ hai sự việc trên cho thấy, việc sử dụng tiền của dân và thu tiền từ dân dường như chưa được quản lý chặt chẽ. Người dân và các cơ quan đại diện của dân đứng ở đâu trong chuỗi thu - chi tiền của dân, ai chịu trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại?
2. Những ngày qua, nhiều người dân, đặc biệt các bác tài thường xuyên đi qua tuyến quốc lộ 1, đoạn từ TPHCM đi Tiền Giang bức xúc việc Bộ GTVT đề xuất xây trạm thu phí trên tuyến quốc lộ 1 song hành cùng trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Như vậy, các phương tiện giao thông đi ĐBSCL dù đi đường nào cũng bị thu phí.
Theo giải thích của Bộ GTVT, do Chính phủ đã đầu tư mở rộng quốc lộ 1, nâng cấp thành 4 làn xe nên cần thu phí để hoàn vốn cho tuyến này và cả tuyến cao tốc. Ngoài ra, thu phí quốc lộ 1 để xe không trốn đường cao tốc mà chạy sang quốc lộ. Vấn đề đặt ra ở đây là số tiền Chính phủ đầu tư nâng cấp quốc lộ 1 từ đâu mà ra, chẳng phải là từ tiền thuế của dân sao? Còn khi xây dựng phương án khả thi của tuyến đường cao tốc, chắc hẳn các đơn vị chức năng đã tính toán dung lượng xe sẽ đi qua, mức phí sẽ thu và thời gian thu hồi vốn. Phải chăng những tính toán của đề án chưa chuẩn, nếu vậy ai sẽ chịu trách nhiệm? Không thể cứ đổ gánh nặng lên đôi vai người dân.
3. Tại phiên họp Chính phủ đầu năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong năm 2012 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Thực hiện mục tiêu của Chính phủ, TPHCM và một số địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó có chương trình bình ổn giá, còn người dân TPHCM hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền thành phố bằng cách tiết kiệm chi tiêu, không tăng giá nhà trọ công nhân và sinh viên... Tuy nhiên, trong lúc Chính phủ và người dân đang cùng gồng mình vượt qua khó khăn của đất nước thì đây đó vẫn có những ngành, những mặt hàng dường như “vô tâm”. Giá xăng vẫn túc tắc tịnh tiến khiến không ít mặt hàng khác ăn theo tăng giá, nhiều dịch vụ y tế đã có quyết định tăng giá, ngành điện cũng rục rịch đòi tăng giá... Cuối cùng gánh nặng vẫn lại đổ lên đôi vai người dân.
Với truyền thống yêu nước, người dân Việt Nam luôn chia sẻ gánh nặng, kề vai sát cánh cùng chính quyền vượt qua khó khăn, nhưng hãy công bằng với họ. Dụng sức dân, khoan sức dân âu cũng là để phát triển bền vững.
Chiến Dũng