Họ nhìn nhau, bâng khuâng trước cuộc đời đưa đẩy, không đùa với người đã trót chọn con đường nghệ thuật: diễn để sống và sống để diễn.
Đã tốt nghiệp khoa diễn viên từ vài năm trước nhưng chàng trai có tài này vẫn loay hoay “tôi đi tìm tôi” trong sàn diễn của thành phố lớn nhất nước, khi chưa tìm được cho mình một ông bầu “mát tay” để nâng tầm sao này, sao kia. Nghĩa là chưa có điều kiện cần và đủ để tạo đất diễn ổn định và dĩ nhiên chưa tạo nguồn thu nhập ổn định.
“Tết này vui quá, con mới tìm được vai diễn phụ ở mấy sân khấu”, chàng trai có lẽ thừa sức thủ vai Romeo nói. Cùng lúc ấy trên tivi đang phát một chương trình về tết, tết đã về, có một bài hát đại ý “Tết này con không về”, đường về nhà xa quá mẹ ơi! Mà quả thật đường về nhà bao giờ cũng là con đường xa nhất, nhất là vào dịp tết cổ truyền, nơi mẹ già mong ngóng bên nồi bánh chưng, bánh tét còn đỏ lửa.
Thì thôi, nghiệp diễn phải có cơ duyên. Một ngôi sao trong làng showbiz như Hà Hồ chỉ xuất hiện thoảng qua cũng kiếm bộn bạc, đến nỗi đi làm từ thiện tết với vài trăm phần quà và bao lì xì phải chọn đêm hôm vắng vẻ, đeo khẩu trang kiểu ninja để mong không ai phát hiện (tất nhiên vẫn có người biết - đó là bộ phận truyền thông riêng). Nhưng đa phần nghệ sĩ không có “cơ duyên” như vậy. Một diễn viên già tâm sự rằng mấy bộ phim điện ảnh mà ông thủ vai phụ may quá đã có tiền trước tết, còn lại phim truyền hình thì được hứa hẹn… cố thu xếp giải quyết sau tết. Không biết tết này hay tết sau, sau nữa. Ông có 2 con chó và cả hai - cũng như chủ, đều gầy guộc - dường như không thể cất tiếng khi có khách lạ ghé nhà. Báo SGGP số ra ngày 9-2 cũng có đăng một bài ngắn về tiếng kêu cứu của nhà văn Thanh Bình Nguyên và Minh Vy về việc “xù” tác quyền của Công ty Hổ Cáp với con đẻ của mình là loạt phim Sitcom đang thời thượng với phương châm “nhanh, ngon, rẻ, bổ”. Cũng như một loại thức ăn nhanh, chi phí quá bèo: một tập phim cả biên kịch và biên tập vẻn vẹn có 800.000 đồng, song có trả hay không thì như tiểu thuyết chương hồi, “xem hồi sau sẽ rõ”, còn tết này thì… chưa!
Tất nhiên quả bóng được đẩy sang phía nhà sản xuất. Nhưng tiền đâu, “đầu tiên” thì thật sự trừu tượng như chính loại hình nghệ thuật được nhân danh. Theo thiển ý của người viết, giá bèo bọt như vậy chỉ có thể xảy ra trong trường hợp nhà sản xuất phân thây kịch bản làm hai, một bán cho đài truyền hình này (trong trường hợp này là SCTV1) và một cho kênh khác (Today TV) vì như thế mới đủ “sở hụi”?… Và thật, giả khó lường khi cái cần chia sẻ “đầu tiên” là tiền lại ít được chia sẻ nhất. Cũng lại chuyện bản quyền, ăn chia lời lãi, cần nhắc tới một bộ phim truyền hình đình đám chiếu trước tết là bộ phim “Tình khúc bạch dương” về các lưu học sinh Nga. Khoan nói nội dung đúng hay sai về lứa lưu học sinh các khóa từ thập niên 70 đến 90 của thế kỷ trước, điều đọng lại là sự ngờ vực về kịch bản gốc đã được thêm thắt, chỉnh sửa, qua quá nhiều khâu “biên tập” mà đa phần không hiểu về nước Nga trong quá khứ. Đến nỗi, tác giả bản gốc phải khóc ròng bày tỏ rằng dư luận “ném đá” mà không biết là từ ý tưởng ban đầu đến khi ra phim đã mất hẳn “hương đồng gió nội” qua các khâu biên tập, quay, dựng… Lẽ ra một mối tình lãng mạn khi đoạn kết là chàng và nàng đứng hai bên cầu mở ở thành phố Saint Petersburg, như đôi bờ trong bài hát nổi tiếng của Nga, nhưng vì tiết kiệm nên cảnh quay mùa đông đôi khi lại được thực hiện ở địa danh… chưa bao giờ có tuyết rơi.
Cũng dễ đổ lỗi qua lại với lời giải thích do quy trình nó thế. Nhà đài thì đổ tại khâu quảng cáo chưa kịp “kết toán tài chính”, nhà sản xuất thì đổ cho nhà đài “nhiêu khê”… Chỉ tội cho tác giả, diễn viên và hàng trăm người ăn theo cứ mòn mỏi chờ tiền tết, vẫn phải cắn răng diễn trên trường quay cho kịp tiến độ. Tết này con không về, mẹ ơi!
Nhưng đời vẫn còn sự sẻ chia, vẫn đầy ắp tình thương. Một diễn viên kịch bôn ba với nghề là kịch cà phê, mắt sáng rực kể lại khi ra chợ mua quà tết thì có tiểu thương bán hàng nhận ra cô từng tham gia một show truyền hình thực tế đã giảm giá cho một túi hàng 20.000 đồng. Hoặc giả một câu chuyện khác về một nghệ sĩ kịch hát dân tộc cứ tần ngần đứng trước một spa sang trọng với câu hỏi trăn trở như Hăm Lét: vào hay không vào? Người nghệ sĩ này mới lãnh tiền lương hưu ở phường, rất muốn làm cái đầu tóc mới để đón năm mới, nhưng giá cả ở nơi này thật sự quá sức với đồng lương còm. Mân mê mấy tờ giấy bạc mới nhận, bà thở dài bước đi… và thật không ngờ cô tiếp tân chạy theo kêu vội mời bác vào, bác là vị khách thứ 5.000 của tiệm. Hóa ra một khách hàng đã kịp nhận ra người nghệ sĩ lừng lẫy năm xưa và nói nhỏ với nhân viên ý tưởng vậy. Bà được làm tóc theo yêu cầu và khi về còn được tặng một túi quà là túi mỹ phẩm Hàn Quốc. Bà nghệ sĩ già nua run run: cảm ơn, cả đời tôi chưa bao giờ trúng quà khuyến mại như thế!
Người nghệ sĩ dù hoàn cảnh nào vẫn nhận được sự đồng cảm trong xã hội. Cái chính vẫn là mình, có tài, có tâm thì đường về nhà vẫn không quá xa…