Ngoại trừ trường hợp hi hữu ở đội tuyển Anh, khi vì một bất đồng cá nhân, HLV Capello đột ngột từ chức và Roy Hodgson được bổ nhiệm vội vã trước Euro 2012 chưa đầy 2 tháng, thì các đội bóng còn lại đều có những HLV làm việc rất lâu dài. Bóng đá thế giới, nhất là các quốc gia tiên tiến, luôn như thế.
Điển hình như HLV Marwijk của Hà Lan. Ngay trước trận đấu quan trọng với Đức, đứng trước nguy cơ bị loại nếu thua trận, HLV này vẫn nhận được sự bảo đảm từ Liên đoàn Bóng đá quốc gia rằng vị trí của ông không bị ảnh hưởng gì từ thành tích của Euro 2012. Xin nhớ là Hà Lan đến giải này với tư cách ứng cử viên vô địch và ông Marwijk, đã làm việc từ năm 2008, đủ lâu để có thể sa thải mà không ai phản đối. Tuy nhiên, bóng đá Hà Lan trân trọng công lao của ông Marwijk khi tái thiết lại đội bóng từ sau Euro 2008 đến nay, trong đó có việc đưa Hà Lan vào chung kết World Cup 2010. Ngay trước khi Euro 2012 diễn ra, ông Marwijk được gia hạn hợp đồng đến tận năm 2016, tức Euro kỳ tới.
Trường hợp như ông Marwijk thật ra cũng bình thường đối với bóng đá châu Âu. Mỗi HLV khi nhận nhiệm vụ đều có chu kỳ ít nhất 4 năm để làm việc, căn cứ vào các giải đấu lớn của thế giới là Euro, World Cup. Hiếm có trường hợp nào ngắn hạn trong vòng 2 năm. Ngay cả khi đột ngột được chọn thì HLV đội tuyển Anh là Roy Hodgson đã được Liên đoàn Bóng đá Anh “bật đèn xanh” để tuyên bố các CĐV xứ sương mù hãy quên Euro 2012. Cái đích của ông Hodgson được tính trong vòng 4 năm tới, bao gồm World Cup 2014 và Euro 2016.
Với những cầu thủ chuyên nghiệp, với hệ thống quản lý khoa học mà người châu Âu vẫn luôn phải cho HLV của họ một khoảng thời gian đủ dài để yên tâm làm việc. Các trường hợp sa thải được hạn chế đến mức tối đa, trừ trường hợp thành tích quá tệ hại. Ngược lại, dù vẫn luôn nói là “học theo cái hay của thế giới” nhưng tại Việt Nam, chưa bao giờ có những hợp đồng dài hạn như vậy. Nhiều lắm thì các HLV ngoại từ trước đến nay cũng chỉ ký có 3 năm, đã thế còn bị xem xét hợp đồng từng năm.
Vì vậy mới không bất ngờ khi quá trình tìm HLV nội cho đội tuyển quốc gia vẫn chưa có kết quả từ hơn nửa năm qua. Chúng ta không hề thiếu người giỏi để gánh vác trách nhiệm ấy nhưng cái chính là chẳng HLV nội nào xung phong nhận việc khi họ biết quá rõ cách thức mà bóng đá Việt Nam đã đối xử với các chuyên gia ngoại từ trước đến nay. Ai cũng thấy, để có một HLV nội thành công sau gần 20 năm sống chung với thầy ngoại thì cái cần nhất chính là thời gian để dư luận chấp nhận một tư duy mới, cách làm việc mới. Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh nhìn nhận, ngoài việc giao toàn quyền cho HLV nội, còn phải cho họ có ít nhất 2 năm để xây dựng đội bóng, cách chơi phù hợp và quan trọng hơn là giảm bớt áp lực thành tích. Thời gian dài, mục tiêu có lộ trình đúng đắn thì mới tạo điều kiện cho HLV nội thử sức. Nếu cứ yêu cầu HLV nội làm việc trong thời gian ngắn, hoặc phải có thành tích ngay thì chẳng ai đủ khả năng đáp ứng cũng như chấp nhận yêu cầu đó.
Đấy cũng là lý do vì sao các HLV hàng đầu hiện nay đều đặt điều kiện “vừa làm đội tuyển, vừa làm CLB” thì mới chịu nhận nhiệm vụ. Đơn giản vì họ lo cho sự nghiệp của mình sẽ bị ảnh hưởng với cách làm ngắn hạn hiện nay.
Việt Quang