Fiat và Mazda trong tuần qua vừa công bố một kế hoạch liên minh cho việc chế tạo dòng xe roadster mới cho Mazda và Alfa Romeo (thương hiệu của Tập đoàn FIAT).
Theo thông tin từ 2 phía, Alfa Romeo sẽ xuất xưởng dòng xe roadster trên toàn cầu từ năm 2015. Dòng xe này sẽ được bán dưới thương hiệu Alfa Romeo Spider ở thị trường Mỹ và sẽ đánh dấu sự trở lại của dòng xe thể thao hai cửa nổi tiếng một thời này của Fiat.
Dòng xe mới này sẽ được sản xuất tại nhà máy của Mazda ở Hiroshima, dựa trên nền tảng kỹ thuật của dòng xe MX-5/Miata roadster và sẽ có những điểm nhấn khác biệt. Theo Fiat và Madza, các kỹ sư của 2 công ty sẽ nghiên cứu để tạo ra một “biểu tượng” mới của ngành công nghiệp ôtô với thiết kế khác biệt cũng như những dấu ấn riêng cho dòng xe này. Biên bản ghi nhớ cũng như các điều khoản thương thảo theo các thông tin từ các hãng thông tấn sẽ được hoàn thiện vào các quý còn lại trong năm nay.
Ông Takashi Yamanouchi, CEO của Mazda nhân sự kiện này cho biết: “Phát triển công nghệ và liên minh để phát triển sản phảm là chiến lược mục tiêu của Madza và việc công bố liên minh này với Fiat là bước đi đầu tiên trong chiến lược này. Đặc biệt là khi kết hợp với các tên tuổi nổi tiếng như Alfa Romeo để phát triển các dòng sản phẩm xe thể thao thế hệ nối tiếp của MX-5.” CEO của Fiat ông Sergio Marchionne cũng có phát biểu tương tự: “Với thỏa thuận này, chúng tôi sẽ củng cố cho thương hiệu Alfa Romeo cũng như phát triển thương hiệu này trên toàn cầu.” Alfa Romeo là thương hiệu xe cao cấp của Fiat, tuy nhiên thương hiệu này hiện đang mất dần chỗ đứng ngay cả trên thị trường châu Âu.
Được biết Volkswagen trước đây đã từng có ý mua lại thương hiệu này, tuy nhiên ông Marchionne vẫn luôn giữ lập trường phát triển dòng xe này trên toàn cầu. Trái lại, dòng xe MX-5 của Madza lại là một trong những dòng xe roadster bán chạy nhất trong vòng 10 năm qua và việc liên minh này sẽ củng cố thêm được thực lực cho thương hiệu xe thể thao cỡ nhỏ này của “đại gia” Nhật Bản. Việc hợp tác này sẽ có lợi cho cả 2 phía. Với Madza, công ty sẽ tối ưu hóa được nguồn lực khi hoạt động hết công suất nhà máy còn với Fiat việc liên minh sẽ giúp họ tiếp cận được công nghệ và kỹ thuật sản xuất các dòng xe cỡ nhỏ của Mazda.
Theo phân tích của Kohei Takahashi, chuyên gia của JPMorgan Chase & Co thì Mazda có thế mạnh ở công nghệ nhưng chưa khai thác nó một cách triệt để, “liên minh với một tập đoàn khác là việc nên làm.” Và chắc chắn, việc liên kết này sẽ giúp cả 2 công ty giảm thiểu được rất nhiều gánh nặng về việc nghiên cứu và phát triển.
Theo ông Marchionne, một hãng sản xuất ôtô toàn cầu nếu muốn tồn tại và phát triển cần phải đạt được doanh số 6 triệu chiếc xe một năm. Con số này đặt ra dựa trên các tiêu chí về tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, giảm các chi phí cố định, tận dụng các kinh nghiệm về kỹ thuật, thị trường, sản phẩm v.v… để đạt được con số này, cách tốt nhất là tìm kiếm các đối tác thích hợp để liên minh cùng. Chính vì vậy mà trong năm nay, chúng ta chắc chắn sẽ thấy hàng loạt các liên minh trong ngành công nghiệp ôtô trên thế giới và đây cũng sẽ là một xu thế mới cho tương lai.
Nhật Tân