G20 tập trung vào nữ quyền

Lần đầu tiên, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức một hội nghị dành riêng cho việc trao quyền cho phụ nữ. 

Hội nghị được tổ chức vào ngày 26-8 tại Santa Margherita Ligure, Italy, tập trung vào khả năng tiếp cận việc làm có chất lượng tốt hơn cho phụ nữ, các chính sách nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng của phụ nữ, tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, xác định và bảo vệ quyền của phụ nữ, giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ.

Hội nghị do Bộ trưởng Cơ hội bình đẳng và Gia đình Italy Elena Bonetti chủ trì, đồng thời có sự tham gia của các bộ trưởng về bình đẳng giới từ các nước G20, đại diện các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội dân sự và giới học thuật …

Các bộ trưởng G20 cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải hỗ trợ việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, bao gồm phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, và cải thiện khả năng tiếp cận công việc, tạo cơ hội và điều kiện cho phụ nữ về khả năng tuyển dụng, trả lương và phát triển nghề nghiệp.

Điều quan trọng là phải nêu bật những kinh nghiệm tích cực và thành công của những lao động, doanh nhân nữ, nhất là liên quan đến các doanh nghiệp sáng tạo và văn hóa, các lĩnh vực công nghệ và tài chính, cũng như nền kinh tế xanh và bền vững. Kết quả của cuộc thảo luận được Italy, nước Chủ tịch G20 năm nay, tổng hợp và đưa ra với các nhà lãnh đạo G20 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Rome năm 2021, dự kiến được tổ chức vào ngày 30, 31-10. 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, nhất là biến chủng Delta hoành hành nhiều nơi. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), so với nam giới, phụ nữ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn từ Covid-19. ILO ước tính, trong năm 2021, chỉ 43,2% phụ nữ trong độ tuổi lao động được tuyển dụng so với 68,6% ở nam giới.

Phụ nữ thiệt hại nặng về thu nhập so với nam giới vì đa số việc làm của phụ nữ thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19, như dịch vụ lưu trú và ăn uống, may mặc... Từ năm 2019 đến năm 2020, việc làm của phụ nữ giảm 4,2%, tương ứng với giảm 54 triệu việc làm, trong khi việc làm của nam giới giảm 3%, tương đương 60 triệu việc làm.

Tin cùng chuyên mục