
Công ty Netgame Asia chính thức thông báo: Game Jam Online - Ban nhạc huyền thoại tạm ngưng cung cấp dịch vụ đăng ký tài khoản vào ngày 27-5 và dừng hoạt động các cụm máy chủ vào ngày 10-6-2008.
Như vậy, kể từ khi Game online Con đường đế vương từ bỏ game thủ thì cho đến nay đã có… 8 Game online tiếp tục ‘nối gót”. Điều đáng nói là các nhà cung cấp đều chạy làng. Qua đây cũng thấy rõ cách làm ăn “có vấn đề” của các nhà phát hành Game online.
Chết yểu !

Game online đầu tiên từ bỏ game thủ ra đi chính là Con đường đế vương với tên gốc là Risk your life II (Ryl II). Game này được Công ty VASC ký hợp đồng mua bản quyền từ hai nhà cung cấp Youxiland của Đài Loan và Gamasoft của Hàn Quốc.
Ngày 16-7-2005, Ryl II được triển khai thử nghiệm tại Việt Nam và đã thu hút được 65.000 game thủ đăng ký chơi thông qua server Aquarius nhưng không ai đoán được chữ ngờ, khi VASC tổ chức buổi sinh nhật lần đầu tiên cho Ryl II vào ngày 27-5-2006 thì ngày 18-10-2006, Ryl II phải đóng cửa theo Thông tư 60 (của Liên bộ gồm VHTT, TT-TT và CA), bỏ lại 65.000 game thủ bơ vơ!
Khởi đầu từ ngày “định mệnh” này, liền sau đó hàng loạt Game online khác cũng đã “chết trẻ” tương tự: GunBound là Game online có bản quyền đầu tiên được Asiasoft phát hành trong tháng 3-2005, được game thủ chào đón nồng nhiệt, thế nhưng ngày 31-3-2007, Asiasoft đã ra thông báo đóng cửa Gunbound từ ngày 31-5-2007 vì thời hạn hợp đồng cung cấp với nhà sản xuất Softnyx đã hết.
Cuối năm 2006 và đầu năm 2007, Cyber world mở 2 phiên bản Close beta của game thể thao Extreme Soccer - Vua Bóng Đá nhưng cuối tháng 2-2007, Cyber World đã đột ngột dừng server Close beta với lý do: Phiên bản của Hàn Quốc hiện có nhiều trục trặc …
Tiếp đó, trang website chính của game KHAN II Online của Cyber World cũng thông báo kể từ ngày 1-9-2007 sẽ chính thức ngừng phát hành trò chơi này sau 2 năm hoạt động vì những trở ngại kỹ thuật khó giải quyết sau khi nhà sản xuất game này là Công ty Mirinae (Hàn Quốc) xác nhận không duy trì tiếp chế độ hỗ trợ phát triển cho Khan II nữa.
Nối bước theo đó, game Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng tuyên bố đóng cửa vào ngày 1-2-2008. Game Ragnarok Online - trò chơi nhập vai trực tuyến mang âm hưởng thần thoại Bắc Âu do hãng Gravity, Hàn Quốc tung ra thị trường được VinaGame mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam từ năm 2005 cũng chính thức đóng cửa ngày 31-3-2008.
Đáng sốc nhất là thông báo đóng cửa trò chơi Crazy Kart - Vương Quốc Xe Hơi của VTC Game: “Vương Quốc Xe Hơi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình… tạm dừng phát hành tại Việt Nam từ ngày 29-4-2008”. Tiếp theo đó, game Thiên Địa Anh Hùng của NPH cũng tuyên bố chính thức đóng cửa từ ngày 12-5 .
JAM Online có xuất xứ từ Trung Quốc được NetGame Asia mua bản quyền phát hành tại Việt Nam là game online thứ ...9 đột ngột dừng phát hành mà lý do nhà cung cấp dịch vụ cũng không mấy thuyết phục. Lý giải ngắn gọn của NetGame Asia: “Sự ra đi đầy tiếc nuối này đa phần liên quan đến phía đối tác - nhà sản xuất Jam Online đã không đáp ứng được một số yêu cầu kỹ thuật do chúng tôi đề ra trong giai đoạn này”.
Khe hở của pháp luật
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Marketing của NetGame Asia cho biết: Sau khi dừng hoạt động các cụm máy chủ, dữ liệu tài khoản của Jam Online sẽ được lưu trữ tại Live! Passport - hệ thống lưu giữ tài khoản người chơi. Tại đây, game thủ vẫn có thể sử dụng tài khoản đã đăng ký để tham gia các trò chơi khác do NetGame Asia phát hành tại website: http://liveworld.vn.
Nhưng thông tin mà chúng tôi có được thì Jam Online đóng cửa để cho game “bom tấn” Thục sơn kỳ hiệp xuất hiện. Như vậy có thể nói việc đóng cửa hoàn toàn nằm trong chủ ý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặc kệ cho khách hàng ra sao cũng được.
Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành thì thiệt hại của nhà phát hành là không đáng kể, bởi họ có thể dùng hình thức kinh doanh khác để bù cho khoản bị thất bại đó. Bởi thực tế hiện nay đa số các game online đang hoạt động ở Việt Nam đều chỉ là một bộ phận trong tổng thể các hình thức kinh doanh của các công ty.
Vì thế khi bộ phận này thất bại thì các bộ phận ăn nên làm ra khác sẽ thu lời về để bù cho khoản thiệt hại đó. Với lại việc chấp nhận thất bại và đóng cửa game các công ty cũng đã tính toán được khoản chi phí mà nhà cung cấp đã bỏ ra, rồi kiếm được bởi vậy khi tuyên bố đóng cửa họ đã tránh được một phần nào rủi ro về phía mình.
Tuy nhiên, người chơi là người bị thiệt hại nhiều nhất. Tiền dịch vụ, tiền nạp thẻ, tiền thuê bao mạng, chưa kể tốn thời gian và công sức bỏ ra cày cuốc theo đuổi trò chơi… bỗng chốc bị mất hết.
Theo bà Nguyễn Tố Uyên, quản trị viên của diễn đàn Gamlink.vn phân tích thì ở một số Game online, việc người chơi bỏ tiền thật mua đồ ảo trong game đã trở nên phổ biến, có người đã bỏ ra cả vài trăm triệu đồng để đầu tư vào nhân vật trong game của mình. Nhưng khi các game đóng cửa thì game thủ không nhận được gì, ngoài một lời xin lỗi, một lời chào tạm biệt từ nhà cung cấp…
Điều đáng nói là hiện nay hoàn toàn không có một quy định nào của các nhà cung cấp dịch vụ về việc bảo hộ quyền lợi cho người chơi lỡ mua đồ ảo cho nhân vật trong trò chơi của mình khi mà nhà cung cấp dịch vụ tự nhiên… đóng cửa game. Đây cũng chính là khe hở của pháp luật để nhà phát hành Game online tha hồ… chạy làng.
Trong khi đó theo lời tâm sự của một chuyên gia làm trong ngành cung cấp game ở TPHCM thì trong kinh doanh game trực truyến tuổi đời một game đẹp nhất chỉ nên 1,5 đến 2 năm, nên sau thời gian đó thì nên đóng cửa và chuyển sang game mới, tiếp tục quảng bá và thu hút khách hàng.
Do đó việc các game đóng cửa không có gì là bất ngờ nữa mà nó hoàn toàn nằm trong kế hoạch của các nhà cung cấp dịch vụ, chỉ có các người chơi cứ như thiêu thân lao vào, họ không hề biết có thể bị mất tất cả! Vì vậy, việc cơ quan chức năng cho phép các nhà phát hành Game online phát hành game mới nữa hay không cũng chính là vấn đề cần căn nhắc kỹ càng hơn.
Việt Nhân