
Bệnh sốt rét, cùng với HIV/AIDS và lao là một trong những thách thức lớn đối với y tế công cộng, hủy hoại sự phát triển của các nước vốn đã nghèo. Bệnh sốt rét vừa là bệnh của nghèo khó vừa là nguyên nhân gây nên cảnh nghèo khó. Sốt rét không những gây chết người, làm suy yếu lực lượng lao động quốc gia mà còn ảnh hưởng đến việc học hành, sự phát triển thể lực của trẻ em. Bệnh sốt rét tác động xấu đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Phát thuốc sốt rét cho bệnh nhân uống tại chỗ (huyện Bình Chánh, TPHCM).
Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm từ 1991 tới 2000 có 10.184 người chết do sốt rét, đỉnh cao là vào năm 1991 có 1 triệu người mắc, số tử vong lên tới 4.646 người. Bệnh sốt rét hoành hành ở hầu hết các khu vực miền núi và nông thôn nước ta.
Về ngân sách, từ năm 1991 tới 2000, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư 350 tỷ đồng, các địa phương cũng đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ của quốc tế cho chương trình phòng chống sốt rét lên tới khoảng vài chục triệu đôla Mỹ.
Đối với người dân, bệnh sốt rét đã trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế của những người sống trong những điều kiện nghèo khổ nhất, vì mặc dù thuốc sốt rét đã được nhà nước cấp miễn phí, nhưng bản thân họ cũng phải chi một số tiền không nhỏ cho việc mua các thuốc phụ trợ, tiền ăn uống bồi dưỡng, tiền tàu xe đi lại...
Thêm vào đó, do mắc bệnh nên ảnh hưởng lớn đến ngày công lao động cho bản thân người bệnh và gia đình, giảm sức sản xuất, giảm thu nhập. Từ năm 2001 đến nay, chỉ tính riêng nhà nước thì số tiền đầu tư cho phòng chống sốt rét lên tới gần 100 tỷ đồng mỗi năm.
Với mục tiêu: giảm số bệnh nhân sốt rét, giảm tử vong do sốt rét, khống chế không để dịch sốt rét lớn xảy ra, các cán bộ ngành sốt rét đã nỗ lực, phấn đấu không ngừng tiến hành các biện pháp phòng chống sốt rét, bao gồm: phát hiện, điều trị bệnh sớm, phun, tẩm màn hóa chất cho người dân sống trong vùng sốt rét, củng cố mạng lưới y tế cơ sở, đồng thời quản lý ca bệnh chặt chẽ, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân tự phòng chống sốt rét.
Kết quả là những năm gần đây tình hình sốt rét đã được cải thiện rõ rệt, mỗi năm số người mắc sốt rét giảm xuống khoảng vài trăm ngàn người với vài chục ca tử vong.
Hiện tại, số người cần được bảo vệ bằng các biện pháp phòng chống sốt rét chiếm 46% dân số cả nước (trong đó số người sống cố định trong vùng sốt rét chiếm 23%, số người sống trong vùng nguy cơ sốt rét quay trở lại chiếm 23%); thêm vào đó do phát triển dân số, phát triển kinh tế nên có một số không nhỏ người di cư từ vùng không có sốt rét hoặc sốt rét nhẹ vào vùng sốt rét nặng.
Những người này cộng với trẻ em và phụ nữ có thai sống trong vùng sốt rét lưu hành nặng là nhóm người cần đặc biệt quan tâm bảo vệ vì có nhiều nguy cơ mắc sốt rét và khi mắc sốt rét thì dễ chuyển thành ác tính và tử vong. Do vậy sốt rét vẫn là mối thách thức với ngành y tế, là mối đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp của ngành y tế, rất cần sự tham gia tích cực của người dân, đó là:
Tự giác bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng không bị mắc sốt rét. Biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là không để muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, nhất là mùng có tẩm hóa chất xua và diệt muỗi. Hạn chế muỗi đốt bằng cách: mặc quần, áo dài tay lúc chiều tối, áp dụng các biện pháp xua muỗi như: nhang xua muỗi hoặc thoa thuốc xua muỗi. Vệ sinh nhà ở và môi trường để muỗi không có chỗ trú ẩn và sinh đẻ.
Khi mắc bệnh phải được chẩn đoán và điều trị sớm. Chẩn đoán sớm, điều trị sớm là yếu tố hàng đầu giúp giảm tỷ lệ tử vong. Nên được chẩn đoán và điều trị trong vòng 24 giờ từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Do vậy khi bị mắc bệnh thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được khám bệnh và xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu giúp tìm ra loài ký sinh trùng gây bệnh để được khám, điều trị thuốc thích hợp kịp thời. Không nên tự ý mua thuốc về chữa trị.
Trong một số trường hợp, trước khi đi vào vùng sốt rét nhưng xa cơ sở y tế, nên đến gặp các cán bộ y tế để được tham vấn, được cấp và hướng dẫn cách sử dụng liều thuốc sốt rét ban đầu trong trường hợp mắc bệnh, sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất.
Thấy rõ gánh nặng của bệnh đối với gia đình và xã hội, hiểu biết về các biện pháp bảo vệ khỏi các tác hại của bệnh sốt rét sẽ giúp người dân tích cực cùng với nhà nước tham gia vào cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người, hao tiền tốn của này.
BS BẰNG LINH
(Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM)