Gấp rút chuẩn hóa giáo dục

Không phải đến bây giờ, yêu cầu về nâng chất đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cũng như giải quyết chế độ, chính sách thỏa đáng cho đội ngũ nhà giáo để họ yên tâm làm nhiệm vụ ”trồng người” mới được đặt ra. Nhưng đến nay, khi yêu cầu đổi mới giáo dục đã thực sự trở nên cấp bách, yêu cầu này càng trở nên thúc bách hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 đã xác định một trong giải pháp quan trọng là đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm về mô hình, chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng; đặc biệt là về năng lực sư phạm, thông thạo tin học và ngoại ngữ ứng dụng trong thực tế. Cần gấp rút đào tạo để có đủ giáo viên triển khai việc giáo dục toàn diện theo chương trình giáo dục mầm non và phổ thông mới, dạy học 2 buổi/ngày, đào tạo giáo viên theo các chương trình tiên tiến quốc tế.

Để triển khai các mục tiêu đổi mới giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng đề ra nhiệm vụ thực hiện quy hoạch nhân lực ngành giáo dục. Theo đó, sẽ quy hoạch, củng cố mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm, gắn đào tạo của các trường sư phạm với nhu cầu nhân lực cả ngành, địa phương. Cùng với đó tăng cường đầu tư cơ sở vật chất các trường sư phạm, tập trung đầu tư có trọng điểm vào 2 trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TPHCM. Đổi mới nội dung, chương trình dạy và học, đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015; giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.

Trên thực tế, nhân lực ngành giáo dục đang có vấn đề, thể hiện rõ nhất là chất lượng đầu vào của ngành sư phạm trong mấy năm gần đây đã có sự sa sút đến mức báo động. Một sự thực đã diễn ra: ít người giỏi chọn ngành sư phạm. Sự trống vắng này không phải để lại hậu quả cho 1 năm, 2 năm mà cho cả nhiều thế hệ sau. Chúng ta đã từng thu hút được sinh viên giỏi vào trường sư phạm, nhưng hiện nay chất lượng đầu vào thấp. “Có bột mới gột nên hồ”. Một học sinh trung bình không thể thành giáo viên giỏi sau 4 năm học sư phạm. Thầy giỏi mới có trò giỏi. Không có thầy giỏi thì chất lượng giáo dục không thể chuyển biến. Điều tất cả những ai quan tâm đến giáo dục đều đồng tình là cần có cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên giỏi vào trường sư phạm.

Tất cả những vấn đề này đều đã tồn tại trong một thời gian dài và ngành giáo dục không phải là không cố gắng thay đổi, nhưng cho đến thời điểm này, đó vẫn đang là những bức xúc của các địa phương, các trường. Đó là chưa kể ngay trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn nhiều người chưa đạt chuẩn, kể cả giáo viên đã được công nhận đạt chuẩn đào tạo vẫn có người chưa đạt chuẩn thực sự, dẫn đến những hoài nghi, thất vọng của xã hội về đội ngũ những người làm thầy.

Vẫn biết đó là bài toán phải giải quyết từng bước, không thể hoàn tất trong ngày một ngày hai, song khi yêu cầu đổi mới toàn diện nền giáo dục được đặt ra cấp bách, hơn bao giờ hết, ngành giáo dục phải tăng tốc để theo kịp yêu cầu. Cần một tinh thần chủ động, một tư thế tiến công của toàn ngành giáo dục trong vấn đề này chứ không chỉ dừng lại định hướng, ở những quyết nghị trên văn bản, giấy tờ.  

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục