Giá dịch vụ vẫn leo cao

Các mặt hàng ăn uống, dịch vụ…sau Tết thường tự động “nhảy” giá. Điều đáng nói là mức giá này được giữ nguyên đến hết năm. Điệp khúc tăng giá cứ thế quay vòng, tái diễn. Người tiêu dùng chật vật tìm cách siết chặt chi tiêu. Lực lượng chức năng dù đã tăng cường công tác kiểm tra xử phạt nhưng tình trạng tái vi phạm vẫn khó giảm. Không biết đến khi nào mới chấm dứt được tình trạng “Đến hẹn lại tăng”?
Giá dịch vụ vẫn leo cao

Các mặt hàng ăn uống, dịch vụ…sau Tết thường tự động “nhảy” giá. Điều đáng nói là mức giá này được giữ nguyên đến hết năm. Điệp khúc tăng giá cứ thế quay vòng, tái diễn. Người tiêu dùng chật vật tìm cách siết chặt chi tiêu. Lực lượng chức năng dù đã tăng cường công tác kiểm tra xử phạt nhưng tình trạng tái vi phạm vẫn khó giảm. Không biết đến khi nào mới chấm dứt được tình trạng “Đến hẹn lại tăng”?

  • Tăng nhưng không giảm

Sau Tết, người tiêu dùng TPHCM “méo mặt” với hóa đơn chi tiêu hàng ngày. Chưa kể, các mặt hàng dịch vụ như: rửa xe, cắt tóc, gội đầu… cũng nhảy giá từ 3.000-4.000 đồng/lượt. Thời buổi kinh tế khó khăn, thắt chặt chi tiêu là cách người tiêu dùng hướng tới. Tuy vậy càng áp dụng chính sách tự động “Thắt lưng buộc bụng”, người dân càng khốn khổ.

Tại một số điểm rửa xe, thay nhớt trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài (quận 10), Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… giá rửa tăng từ 1.000-2.000 đồng/lượt. Tương tự, tại tiệm tóc “Đẹp” (quận Bình Thạnh), một lần gội đầu tăng giá từ 3.000-5.000 đồng. “Buôn bán bận rộn nên tôi phải gội ở tiệm. Trước Tết, gội đầu có 20.000 đồng, nay là 25.000 đồng/lượt. Giá tăng kiểu này chắc tôi không ra tiệm gội nữa” – chị Mai Ngọc, buôn trái cây tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) nói.

Người dân chọn mua thực phẩm tại một chợ truyền thống trên địa bàn quận 1 - TPHCM.

Người dân chọn mua thực phẩm tại một chợ truyền thống trên địa bàn quận 1 - TPHCM.

Chưa hết, một số quán cơm, bún “bình dân” khu vực vỉa hè, quán cóc quanh làng Đại học quận Thủ Đức, Khu công nghiệp… cũng tăng thêm khoảng 3.000 đồng/phần ăn. Theo đó, một suất ăn trung bình dao động từ 15.000-20.000 đồng, tùy loại. Anh Lê Văn, công nhân khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, chia sẻ: “Mấy ngày nay tôi không có thời gian rảnh để nấu nướng, nên ăn tạm bên ngoài. Giá tăng quá nên cũng ngán. Chắc phải tự nấu ăn cho đỡ tốn kém”.

Trên thực tế, có một nghịch lý dễ nhận thấy là nhiều người bán quán ăn đã tranh thủ mua hàng tại các siêu thị bình ổn để được ưu đãi giá, nhưng sau đó vẫn bán giá cao cho người tiêu dùng. Vẫn biết bán, buôn cần có lời nhưng trước Tết tại sao cũng cửa hàng này lại có giá rẻ hơn hiện tại từ 3.000-4.000 đồng/phần ăn? Phải chăng chính Tết là nguyên nhân đẩy giá dịch vụ, thực phẩm… tăng cao.

  • “Ăn theo” thời giá

Theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng mùng 8 Tết Âm lịch 2012, mọi người dân đã bắt đầu đi làm, buôn bán trở lại. Thời điểm mùng 9, mùng 10 Tết, giá cả tăng, nhiều lý giải cho rằng do vẫn còn không khí Tết, ít người bán hàng, nên người tiêu dùng chấp nhận mua giá cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sắp hết tháng Giêng nhưng giá vẫn không chịu xuống như dự đoán. Vậy đâu là nguyên nhân khiến giá nhiều mặt hàng thực phẩm, dịch vụ tăng vô tội vạ như trên?

Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là hiện tượng tăng giá tạm thời, sau đó mọi chuyện sẽ ổn định như thời điểm trước Tết. Thực tế không hẳn như dự đoán. Hầu hết các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống; người bán quán ăn, làm dịch vụ… đều khẳng định giá khó xuống được nữa. Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng này, như: tiền công nhân viên, tiền thuê mặt bằng, cùng hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá. Điều này lý giải rằng những kẻ buôn, người bán cũng phải “ăn theo” thời giá thị trường để đẩy giá “té nước theo mưa”.

Được biết, vào thời điểm trước Tết Tân Mão năm 2011, giá dịch vụ gội đầu bình dân (tại quận 7, 8, quận Bình Thạnh…) khoảng 15.000 đồng/lượt. Sau Tết Tân Mão, giá này nhảy lên 20.000 đồng/lượt, và giữ cho đến hết năm 2011. Sau Tết Nhâm Thìn 2012, giá dịch vụ này lên mức 25.000 đồng/lượt. Không biết, trong những năm tới giá dịch vụ này sẽ tăng tới mức nào. Trên đây là ví dụ về một dịch vụ gội đầu, chưa kể tới hàng chục dịch vụ làm đẹp, ăn uống khác tại TPHCM cũng đang tái diễn cảnh tăng giá mỗi năm.

Viện dẫn giá thị trường tăng để các tiểu thương, cửa hàng kinh doanh tăng giá là điều khó chấp nhận. Về phía các cơ quan chức năng dù đã ra quân xử lý nhiều cửa hàng tự ý tăng giá vô tội vạ nhưng xem ra vẫn chưa đủ “mạnh tay” với các chủ cửa hàng.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Sở Tài chính TPHCM cho rằng rất khó quản lý tình trạng tăng giá tự phát. Hơn nữa, đại diện Sở Tài chính, Chi cục Quản lý Thị trường cũng cho rằng thiếu nhân lực để kiểm tra cũng đang là lỗ hổng để các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, nhất là các quán ăn, điểm kinh doanh nhỏ lẻ khắp địa bàn TP thoải mái thao túng định giá.

Rất mong cơ quan chức năng sớm ra quân, chấn chỉnh hoạt động tự ý tăng giá trên, chấm dứt tình trạng “té nước theo mưa” và giúp người tiêu dùng nhẹ gánh chi tiêu. 

THANH NGÂN

Tin cùng chuyên mục