Gia đình - nền tảng tinh thần

Gia đình là tế bào của xã hội. Một tế bào khỏe mạnh, tích cực sẽ góp phần xây nên một cơ thể xã hội cường tráng, lành mạnh.
Gia đình - nền tảng tinh thần

Gia đình là tế bào của xã hội. Một tế bào khỏe mạnh, tích cực sẽ góp phần xây nên một cơ thể xã hội cường tráng, lành mạnh.

Với người dân Việt Nam, gia đình không chỉ là tổ ấm yêu thương, là cái nôi che chở, nuôi dưỡng con người về mặt thể chất, mà còn là nền tảng tinh thần, trường học văn hóa đầu đời hình thành và phát triển nhân cách. Xây dựng được gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là mong ước của mọi người. Tuy nhiên, truyền thống của gia đình người Việt vốn chứa đựng bao điều tốt đẹp được bảo tồn, vun đắp qua bao đời nay đang bị xâm hại bởi trong xã hội đã và đang có những giá trị đạo đức truyền thống bị làm hoen ố.

Một bữa cơm gia đình hạnh phúc gồm ông bà và con cháu. Ảnh: DIỄM THY
Một bữa cơm gia đình hạnh phúc gồm ông bà và con cháu. Ảnh: DIỄM THY

Dưới sự tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là mặt trái nền kinh tế thị trường đã làm nảy sinh những tiêu cực trong đời sống gia đình. Mâu thuẫn vợ chồng nảy sinh, bạo lực gia đình bùng phát, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, phá vỡ tổ ấm bình yên và làm xáo động cả cuộc sống cộng đồng xã hội. Bi kịch, thảm cảnh từ những chuyện đau lòng ấy diễn ra ở nhiều nơi.
 
Cách đây ít ngày, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), người con trai đã đâm chết bố và mẹ chỉ vì xin tiền không được. Rồi chuyện vì giận vợ mà người chồng mất hết nhân tính đang tâm ném đứa con mới 10 tháng tuổi xuống nền nhà khiến đứa con gái bị chấn thương sọ não, hiện đang cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Những chuyện trái với luân thường đạo lý tương tự không chỉ dừng lại ở những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, điều kiện học hành thiếu thốn, ở nông thôn, miền núi, nơi trình độ dân trí còn thấp, mà đáng buồn hơn, đáng báo động hơn, giá trị đạo đức bị băng hoại ngay cả trong những gia đình được coi là khá giả, có học thức.

Xây dựng gia đình hạnh phúc không phải là việc của riêng một người mà là trách nhiệm của mọi người. Có một gia đình hạnh phúc là niềm mong mỏi, ước mơ của từng cá nhân, của cả cộng đồng, không gì hơn hãy chung tay vun đắp cho tổ ấm gia đình. Để hạn chế những “hạt sạn” trong cuộc sống gia đình, có nhiều việc phải làm và cốt lõi nhất, xuyên suốt nhất vẫn là xây dựng được gia đình văn hóa. Trong cả nước, các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức... đã có nhiều chương trình hành động hướng tới mục tiêu xây dựng được các gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa. Trong gia đình, tất cả mọi người cùng chung tay gây dựng sự ấm áp, yêu thương, đoàn kết, tôn trọng giữa mỗi thành viên. Đặc biệt, người phụ nữ được coi là thành viên tích cực, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, tình cảm và hành vi của mỗi cá nhân, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là vậy.

Ngày 28-6-2001 được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam, theo Chỉ thị 55/BCT của Bộ Chính trị và Quyết định 72/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các cá nhân thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục bà mẹ, trẻ em. Mỗi một chúng ta cố gắng tạo được sự hài hòa, cân bằng giữa mong muốn giàu có, thành đạt vừa vẫn giữ gìn được những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, tinh tế trong một mái ấm gia đình.

Hôm nay, mỗi người hãy ngẫm lại sẽ làm gì xứng đáng hơn nữa với sự xếp hạng và công bố mới đây nhất bởi Quỹ Kinh tế mới (HPI - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh): “Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về chỉ số hạnh phúc”. Ngày Gia đình Việt Nam chính là mốc thời gian quan trọng để cho những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về người thân, qua đó nuôi dưỡng, vun đắp những tình cảm đẹp, những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc.

Lê Phạm Phương Lan

Tin cùng chuyên mục