Cả nước đang hướng về miền Trung khi khúc ruột đất nước gánh chịu thiên tai, tổn thất về người và của đến xót xa lòng. Để sẻ chia với những mất mát mà người dân vùng bão lũ hứng chịu, nhiều đợt vận động, quyên góp chung tay chia sẻ với đồng bào miền Trung đã diễn ra ở TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước.
Chiều tối 15-10, sau ngày làm việc đầu tiên của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức đoàn công tác TPHCM thăm và hỗ trợ các tỉnh miền Trung với số tiền 1,3 tỷ đồng. Sáng 17-10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM phát động chương trình “Chung tay hướng về đồng bào miền Trung” đã tiếp nhận số tiền và hàng hóa trị giá hơn 7,7 tỷ đồng.
Ngày 16-10, tại Nhà Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội cũng đã tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lũ...
Trên mạng xã hội, nhiều nhóm từ thiện liên tục kêu gọi đóng góp cứu trợ người dân miền Trung. Đặc biệt, nhiều nghệ sĩ bằng trách nhiệm công dân của mình cũng nhanh chóng vào cuộc. Chỉ sau 3 ngày kêu gọi trên mạng xã hội, ca sĩ Thủy Tiên đã quyên góp được hơn 40 tỷ đồng cứu trợ miền Trung. Tương tự, sau 2 ngày kêu gọi trên trang cá nhân, nghệ sĩ Trấn Thành đã quyên góp gần 7 tỷ đồng để ủng hộ người dân vùng lũ. Ca sĩ Mỹ Tâm cũng ngay lập tức trực tiếp vượt lũ đến tận nơi để hỗ trợ người dân. Danh sách những nghệ sĩ, mạnh thường quân, những tấm lòng hướng về miền Trung vẫn đang tiếp nối và kéo dài...
Lướt mạng xã hội những ngày qua, luôn dễ dàng đọc được những lời kêu gọi cũng như chia sẻ, cập nhật số tiền vận động được để chia sẻ cho người dân miền Trung của rất nhiều người bình thường. Quả thật, cái tình hào sảng, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong khó khăn không chỉ có ở những doanh nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng mà những người lao động bình dị cũng sẵn sàng chung tay mỗi khi hay tin nơi đâu, hoàn cảnh nào cần giúp đỡ. Nghĩa cử đẹp đẽ đó, dường như lúc nào cũng có sẵn trong lòng người Việt để mỗi khi cần, lại lan tỏa đi.
Tại Phòng Tiếp bạn đọc của Báo SGGP, một phụ nữ tuổi trung niên vội vàng tới gửi tiền ủng hộ rồi về ngay cho kịp chuyến xe buýt chiều. Vài câu trò chuyện ngắn ngủi, cô chỉ nói gọn ghẽ đầy xúc động: “Thương quá đồng bào mình!”. Rất nhiều lần chúng tôi bắt gặp người ủng hộ chẳng muốn ghi tên, chỉ là sự san sẻ kèm nụ cười thật tươi: “Thôi giúp đỡ bà con mình mà ghi tên chi nữa…”. Chỉ cần biết trong khả năng mình lo được, tự khắc người ta giúp ngay và với họ vậy là đủ, không cần ai vinh danh hay đáp lại ân tình. Đó cũng là một bản sắc riêng của người dân xứ này. Cơm cháo miễn phí, quần áo không đồng, vá xe miễn phí, học bổng, tặng xe đạp, xe lăn… Thậm chí, nhiều người sẵn sàng hỗ trợ mai táng như minh chứng trọn vẹn cho câu “nghĩa tử là nghĩa tận” mặc dù đó là người xa kẻ lạ nhưng chỉ cần giúp được người ta sẽ sẵn lòng.
Sự chia sẻ, giúp đỡ luôn mang lại giá trị đẹp trong cuộc sống. Trong lúc này, cho hay nhận không phải là câu chuyện để người ta bận tâm bởi hơn hết là cái nghĩa đồng bào, là tấm lòng sẵn sàng sẻ chia với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều - và một miếng khi đói bằng một gói khi no.