Giải bài toán việc làm cho sinh viên ra trường

Đang có rất nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp (DN) lại không tuyển được lao động sau đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu. Để giải bài toán việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học (ĐH), biện pháp khả thi nhất là nhà trường và DN bắt tay nhau trong đào tạo.
Giải bài toán việc làm cho sinh viên ra trường

Đang có rất nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp (DN) lại không tuyển được lao động sau đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu. Để giải bài toán việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học (ĐH), biện pháp khả thi nhất là nhà trường và DN bắt tay nhau trong đào tạo.

Kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp

Hiện nay, có các hình thức hợp tác giữa DN và các cơ sở đào tạo có tính khả thi và phổ biến là: hệ thống giáo dục nghề nghiệp cung cấp cho DN những nguồn nhân lực cao theo yêu cầu của DN; tổ chức đào tạo chuyên sâu và ngắn hạn; đào tạo chính quy dài hạn theo hợp đồng dài hạn có quy định nội dung, thời gian và kinh phí cụ thể… Bên cạnh đó, còn có các hình thức hợp tác, trao đổi và tiếp nhận chuyên gia, cố vấn, các hoạt động và dịch vụ khoa học, ứng dụng khai thác và tư vấn khác…

Các sinh viên được đơn vị tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: THU HƯỜNG

Nhiều cơ sở đào tạo ở nước ta đã thành lập trung tâm quan hệ DN và hỗ trợ sinh viên như: ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Lạc Hồng, ĐH Kinh tế Luật TPHCM, Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long, Cao đẳng Công thương TPHCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Cao đẳng nghề Công nghệ cao… Nhiệm vụ của trung tâm là hỗ trợ sinh viên tìm việc làm; tổ chức các hoạt động dịch vụ việc làm; tổ chức cho sinh viên đi thực tập cuối khóa, đi tham quan, tìm hiểu thực tế, hướng nghiệp… Trung tâm cũng tiếp nhận đơn đăng ký việc làm của sinh viên và nhu cầu tiếp nhận từ các DN, tạo cầu nối giữa sinh viên và DN. Bên cạnh đó, một số trường ĐH cũng đã đăng ký với các công ty, nhà máy, xí nghiệp xác định nhu cầu nhân sự của các đơn vị này hàng năm, giai đoạn 5 năm, 10 năm… để từ đó có kế hoạch đào tạo theo sát với nhu cầu của thị trường lao động, giảm thiểu lãng phí xã hội trong quá trình đào tạo.

Trong thực tế, mỗi trường đều có liên doanh liên kết với một số công ty xí nghiệp nhất định. ĐH Lạc Hồng đã ký kết với hơn 500 công ty, nhà máy, xí nghiệp ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… để tiếp nhận sinh viên thực tập cuối khóa, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, khoa học kỹ thuật tiên tiến… Cũng từ những hoạt động này, nhiều công ty đã tìm ra nhân tài trợ cấp học bổng và tiếp tục đào tạo để sau này về làm việc tại công ty. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín và ĐH Kinh tế Luật đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện. Sinh viên trường này được nhận những suất học bổng từ ngân hàng và ngân hàng cũng tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập, có nhiều cơ hội thực tiễn trong công việc.

Còn nhiều rào cản phải tháo gỡ

Việc kết hợp giữa hệ thống cơ sở đào tạo và DN đóng vai trò hết sức quan trọng. Đầu ra của sản phẩm đào tạo sẽ mang lại tính thực tế cao hơn, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh phát triển của DN và của toàn xã hội.

Hiện nay, ở nước ta, DN nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn. Quy mô nhỏ, số lượng lao động ít, nên năng lực tài chính của DN còn rất hạn hẹp để dành cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Phần lớn các DN này không thành lập quỹ đào tạo, nếu có thì cũng rất nhỏ, từ đó hạn chế khả năng phát triển và đào tạo nguồn nhân lực. Giải pháp mà họ đưa ra là thường xuyên tìm kiếm trên thị trường lao động (chủ yếu là trung tâm giới thiệu việc làm) để tuyển dụng các vị trí mà công ty đang thiếu hụt. Điều này dẫn đến sự bị động trong công việc, mà đôi khi nhân sự tuyển vào chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của DN. Sự gắn kết giữa nhà trường và DN chưa thực sự là nhu cầu bức thiết, nhiều trường còn thụ động, chưa nhận thức được sự phát triển của nhà trường cần có phần đóng góp rất quan trọng từ phía DN, do vậy chưa thực sự năng nổ để thúc đẩy những chương trình hợp tác với DN. Cơ chế chính sách hỗ trợ DN tham gia trong quá trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn chưa thực sự phù hợp, chưa tạo được động lực để các DN tích cực tham gia hoạt động này.

Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, chúng ta chưa thể tạo ra một mô hình phổ biến như một số nước tiên tiến trên thế giới đã làm là trường học của công ty, do công ty sáng lập, thì cách tốt nhất là nhà trường và DN chủ động bắt tay nhau, ký kết hợp đồng đào tạo. Làm tốt điều này sẽ góp phần quan trọng giảm thiểu những phí tổn xã hội nói chung.


Thạc sĩ TRỊNH THỊ HIỀN
(Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)

Tin cùng chuyên mục