Vài tháng gần đây, Báo SGGP có đăng nhiều bài phản ánh tình trạng chợ tự phát tràn lan và phân tích về những bất cập trong việc giải tỏa chợ tự phát trên địa bàn. Thực tế cho thấy không dễ giải tỏa được toàn bộ các chợ tự phát.
Trước hết, cần nhận rõ vì sao có chợ tự phát. Đa số chợ tự phát họp chợ trên lề đường, ở các điểm gần khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và trong khu dân cư, đáp ứng đúng nhu cầu mua sắm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Nhiều chợ tự phát họp chợ vây quanh chợ truyền thống, tiểu thương không muốn vào kinh doanh trong chợ, mà chiếm lòng lề đường để buôn bán đông khách hàng hơn, mà không phải bị quản lý và không phải chịu nhiều khoản thuế phí. Sự hình thành chợ tự phát còn do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, ban đầu chỉ vài ba hàng gánh tại ranh giới giữa 2 - 3 phường, hay mặt cầu, rồi đông dần, người qua, kẻ lại ghé vào mua do thuận tiện, riết rồi thành chợ. Và đến khi thành chợ tự phát gây ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan và vệ sinh đô thị thì rất khó giải tỏa.
Giải tỏa chợ tự phát là một việc gian nan đối với chính quyền các phường - xã, vì như “bắt cóc bỏ dĩa”, vừa giải tỏa xong thì họp chợ lại ngay, dẹp chỗ này, lại họp chợ chỗ khác. Nhiều tiểu thương cho biết, dù không đóng thuế cho Nhà nước, nhưng để có thể ngồi bán trước cửa nhà nào, họ đều phải trả tiền mặt bằng hàng tháng, từ vài ba trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng, nhưng bù lại rất dễ bán, có nhiều khách hàng, vì người dân TPHCM dần quen với việc đi xe máy, tấp vào ngồi trên xe mua hàng, đỡ mất thời giờ và đỡ mất công, tốn tiền gửi xe vào bãi rồi đi bộ chen chúc vào chợ truyền thống. Dễ bán nên dù bị đẩy đuổi, tém dẹp, chợ tự phát vẫn là nơi nhiều người gắn bó mưu sinh.
Dẹp chợ tự phát bằng cách xây chợ mới để đưa tiểu thương chợ tự phát vào bán không phải là giải pháp khả thi. Nhiều cư dân thành thị không có chuyên môn nghiệp vụ, thất nghiệp, ít vốn liếng, nên phải kiếm sống bằng “kinh tế vỉa hè”, bán ở chợ tự phát là nguồn thu nhập của nhiều gia đình lao động. Cũng có không ít người có tâm lý lấy tình cảnh nghèo khó để bao biện cho việc bất chấp các quy định về trật tự lòng lề đường. Chính quyền địa phương cũng rất ngại việc kiên quyết giải tỏa vì khó tránh xảy ra căng thẳng, xô xát với dân.
Để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, trật tự, vệ sinh, giải tỏa chợ tự phát là một yêu cầu tất yếu. Không thể cứ để tiếp diễn tình trạng chiếm dụng lòng lề đường họp chợ tràn lan, nhếch nhác. Song, cũng khó có thể giải tỏa ngay được. Theo tôi, trước mắt nên sắp xếp để tiểu thương có chỗ bán thuận tiện mà không ảnh hưởng đến mỹ quan và trật tự đô thị. Nên thực hiện cách kẻ vạch sơn dọc trên vỉa hè quy định ranh tạm thời cho tiểu thương bán như một số nơi đã làm, vượt qua vạch sơn có nghĩa là vi phạm. Tiểu thương phải ký cam kết với chính quyền địa phương về việc không vượt qua vạch sơn quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, không được buôn bán nữa. Đối với các xe đẩy tay bán chiếm dụng lòng đường, việc tém dẹp là cần thiết. Người bán hàng rong bằng xe đẩy tay phải đăng ký với địa phương để được sắp xếp chỗ mua bán hợp lý. Sắp xếp, có quản lý sẽ là cơ sở tiến đến kiểm soát được chất lượng nguồn thực phẩm an toàn. Kiên quyết không để mọc thêm các chợ tự phát mới, khi vừa xuất hiện vài người họp chợ bán ở lòng lề đường là phải giải tán ngay. Để xóa hẳn được chợ tự phát, nên khuyến khích phát triển mô hình cửa hàng thực phẩm, siêu thị mini ở khắp các khu dân cư, khu công nghiệp, người tiêu dùng có thể tấp xe máy vào gửi dễ dàng và miễn phí, mua thực phẩm thuận tiện, an toàn vệ sinh, giá cả hợp lý. Được như vậy thì người tiêu dùng sẽ không chọn mua hàng ở chợ tự phát nữa. Đến lúc đó thì chợ tự phát sẽ không còn điều kiện để tồn tại.
MỸ LỆ (quận Bình Thạnh, TPHCM)