Cả năm 2012 vừa qua, chúng ta đặt chỉ tiêu đưa 90.000 lao động ra nước ngoài làm việc, nhưng không thể cán đích. Đây là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu lao động khó khăn mà nguyên nhân được các chuyên gia cho rằng do chỉ tiêu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc - một trong những thị trường lớn, thu hút hàng chục ngàn lao động - bị chững lại đột ngột.
Thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài của Hàn Quốc rất lớn, nhưng trước thực trạng hàng ngàn lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm “chui” hoặc không chịu về nước đúng thời hạn… buộc cơ quan chức năng Hàn Quốc phải “đóng cửa” với lao động Việt Nam. Việc đóng cửa bắt đầu từ tháng 8-2012 và cho tới nay, đáng buồn là mặc dù đã bước sang năm 2013, thời điểm khởi đầu của năm kế hoạch xuất khẩu lao động với những chỉ tiêu mới được đặt ra, nhưng Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc vẫn chưa gia hạn chỉ tiêu, nối lại hoạt động tuyển dụng lao động mới của Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện tại Hàn Quốc vẫn chỉ cho phép tuyển dụng lại đối với những lao động đã mãn hạn hợp đồng về nước đúng hạn, lao động trung thành (không trốn ra ngoài, thay đổi chủ sử dụng). Cho đến nay, chúng ta đã tổ chức được 5 đợt cho những đối tượng như vậy, song số lượng đủ tiêu chuẩn cũng không nhiều. Trong khi đến nay, thông qua các kỳ thi tuyển tiếng Hàn để chuẩn bị nguồn nhân lực cung ứng cho các đối tác Hàn Quốc lựa chọn, cả nước vẫn còn khoảng 12.000 hồ sơ có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc nhưng bị “treo” lại hơn 1 năm qua.
Tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài, không chịu về nước đúng hạn quá nhiều cùng việc Hàn Quốc thông báo “tạm dừng” tiếp nhận đã gần như làm hoạt động xuất khẩu của chúng ta bị tê liệt, gây thiệt hại không nhỏ. Theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, hiện chúng ta có tới hơn 10.000 lao động vẫn cư trú sau khi mãn hạn để làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Rõ ràng không phải một mà là hàng ngàn “con sâu đang làm rầu nồi canh”.
Vậy tại sao hàng ngàn lao động không chịu về nước đúng hạn, chấp nhận ở lại hoặc trốn ra ngoài làm chui? Vì họ được trả mức lương rất cao, trung bình 1.000 - 1.200 USD/tháng, thậm chí cao hơn. Trong khi về nước mức thu nhập đã thấp lại không biết tìm việc ở đâu? Nhưng nói đi cũng phải nói lại, lỗi không chỉ thuộc về người lao động mà còn có cả trách nhiệm của các doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu lao động, cơ quan chức năng, quản lý lao động. Nhiều lao động than thở rằng, để được sang làm việc tại Hàn Quốc, chạm tới giấc mơ đổi đời thì bản thân họ cùng gia đình đã phải bỏ ra số tiền khá lớn, từ hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, bao gồm đủ khoản chi phí “trời ơi đất hỡi” như môi giới, đi lại, học tập ngoại ngữ, vé máy bay… mà sang bên đó chưa chắc đã gặp được doanh nghiệp, ông chủ tốt do hợp đồng giữa doanh nghiệp cung ứng với đối tác chưa chặt chẽ. Trong khi tình trạng lừa đảo, ăn chặn, tỷ lệ trích rút tiền lương quá cao của lao động, công ty “đem con bỏ chợ” vẫn thường xảy ra… Vì vậy, lao động mới có tâm lý đã ra nước ngoài là phải tranh thủ “kiếm nặng túi” mới chịu về nước.
Thực sự là một con số đáng mừng vì trung bình mỗi năm có tới 600 triệu USD do người lao động xuất khẩu gửi về quê hương. Bản thân chúng ta cũng muốn ưu ái, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người lao động khi ra nước ngoài làm việc, nhưng rõ ràng việc để hàng ngàn lao động cư trú và lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã mang lại những thiệt hại không đáng có, đòi hỏi phải có những giải pháp cứng rắn, khả thi để sớm nối lại hoạt động xuất khẩu lao động mới sang Hàn Quốc.
Theo ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, để Hàn Quốc sớm nối lại việc tiếp nhận lao động Việt Nam, thời gian tới, Việt Nam cần bổ sung một số quy định mới có tính chất ràng buộc đối với người lao động chuẩn bị đi làm việc tại Hàn Quốc, để lao động không thể trốn hoặc không chịu về đúng hạn như vừa qua nữa. Chẳng hạn như quy định người lao động trước khi xuất cảnh phải có khoản tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng lao động. Đồng thời áp dụng quy định, người lao động phải trở về nước đúng hạn mới được nhận mức trợ cấp 5 tháng lương do phía Hàn Quốc chi trả. Những trường hợp đã hết hợp đồng nhưng trốn ở lại Hàn Quốc thì khoản trợ cấp sẽ bị sung vào công quỹ Việt Nam.
Đối với lao động hiện vẫn cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, để gọi họ về, bên cạnh việc cử các đoàn sang tận Hàn Quốc điều tra, vận động lao động về nước, cũng cần phải đề nghị cơ quan chức năng Hàn Quốc có quy định xử lý các trường hợp chủ sử dụng lao động của Hàn Quốc cố tình chứa chấp lao động bỏ trốn, làm chui, hết thời hạn không chịu về nước. Bộ LĐTB-XH cũng nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ quy định cứng rắn: đối với một số địa phương nếu không giảm được tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì phải tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia kiểm tra tiếng Hàn của người lao động và xây dựng cả chế tài xử phạt vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động, trong đó có hành vi cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài.
TRẦN PHÚC